Trong nước

Quảng Trị: Hình thành hệ thống GDNN có sự phân tầng

Việc hình thành Khu kinh tế Đông Nam với nhiều khu vực phát triển cũng như trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, người lao động tỉnh Quảng Trị sẽ đón nhận rất nhiều cơ hội về việc làm.

Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đối với cơ quản lý nhà nước tại địa phương trong chương trình giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vậy Quảng Trị đã có sự chuẩn bị gì cho những cơ hội và thách thức trên? Phóng viên Báo Lao động và Xã hội, báo điện tử Dân Sinh đã có cuộc phỏng vấn với ông Phan Văn Linh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.

Ông Phan Văn Linh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Quảng Trị trao đổi với PV báo LĐXH, báo điện tử Dân Sinh

- PV: Ông có thể nêu khái quát về tình hình lực lượng lao động hiện nay của tỉnh Quảng Trị?

- Ông Phan Văn Linh: Tính đến năm 2017, dân số trung bình của tỉnh Quảng Trị khoảng 620.000 người. Dân số trong độ tuổi lao động khoảng 350.680 người. Số lao động đang làm việc trong ngành kinh tế của tỉnh khoảng 342.100 người chiếm 55,17% dân số. Lao động qua đào tạo khoảng 169.500 người chiếm 49,57%. Hiện nay, cơ cấu lao động tại tỉnh đã có sự dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ (nông lâm, thủy sản 47,93%; công nghiệp, xây dựng 17,32%; thương mại, dịch vụ 34,75%).

Tuy nhiên đội ngũ lao động tại Quảng Trị được đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Số người đạt trình độ từ sơ cấp, có chứng chỉ nghề trở lên khoảng 30%. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật bậc cao chưa nhiều, ý thức văn hóa công nghiệp, tổ chức kỷ luật của một bộ phận đáng kể người lao động ở mức độ thấp. Ngoài ra, vấn đề chúng tôi trăn trở nhất là năng lực sử dụng ngoại ngữ, một công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực trong thời buổi hiệnnay còn rất hạn chế.

- PV: Vậy công tác GDNN tại Quảng Trị trong những năm qua đã được thực hiện như thế nào và có những đổi mới nào để đào tạo nguồn lao động chất lượng đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng?

- Ông Phan Văn Linh: Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về việc bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, theo đó Sở LĐ – TB&XH đã tiếp nhận và thực hiện công tác tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ ngày 1/4/2017.

Theo đó, trong năm 2017, chúng tôi đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực và có nhiều chuyển biến. Cụ thể, năm vừa qua, toàn tỉnh Quảng Trị đã tuyển sinh, đào tạo cho 9.637 người, trong đó: Cao đẳng 339 người; Trung cấp 757 người; sơ cấp 3.187 người; đào tạo thường xuyên 5.345 người. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 49,57%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36,2%; lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ trên 29%.

Bước sang năm 2018, Quảng Trị đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 11.800 người; phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 54,4%, trong đó qua đào tạo nghề 38,93% và có bằng cấp, chứng chỉ nghề đạt trên 30%.

- PV: Được biết hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Việc hình thành Khu kinh tế này sẽ mở ra cơ hội và thách thức cho người lao động Quảng Trị?

- Ông Phan Văn Linh: Theo bản quy hoạch, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được phân thành 4 khu vực phát triển, gồm: Khu vực trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế; Khu vực phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị Cửa Việt tập trung phát triển dịch vụ hỗ trợ cho khu vực trung tâm Khu kinh tế; Khu vực phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng với trọng tâm là cảng hàng không sân bay Quảng Trị và phát triển dịch vụ cao cấp; và Khu vực phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; khu vực dự trữ phát triển mở rộng cho vùng trọng tâm và ổn định các điểm dân cư hiện hữu.

Đây là cơ hội rất tốt cho lao động Quảng trị trong việc tìm kiếm việc làm, nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống; đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với người lao động Quảng Trị, khi sự cạnh tranh của thị trường lao động ngày càng gay gắt hơn, lợi thế cạnh tranh do tiền công rẻ sẽ mất dần và yếu thế của lao động Quảng Trị trong cạnh tranh sẽ bộc lộ rõ hơn do trình độ tay nghề, chuyên môn, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong công nghiệp, trình độ hiểu biết pháp luật và thể lực chưa tương xứng.

Trên địa bàn Quảng Trị sẽ hình thành hệ thống cơ sở GDNN có sự phân tầng, khuyến khích hình thành các cơ sở GDNN, các trung tâm đào tạo tại Khu công nghiệp

- PV: Sự chuẩn bị của Quảng Trị trong công tác GDNN để hướng tới đáp ứng nhu cầu Khu kinh tế cũng như xu thế mới là CMCN 4.0 hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Ông Phan Văn Linh: Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế là những nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ đặt ra cho tất cả các địa phương trên cả nước. Đối với Quảng Trị, để chuẩn bị đón đầu những xu thế mới này, chúng tôi đã tổ chức quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tế, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang và sẽ diễn ra. Tại Quảng Trị sẽ hình thành hệ thống cơ sở GDNN có sự phân tầng, khuyến khích hình thành các cơ sở GDNN, các trung tâm đào tạo tại Khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng sẽ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực GDNN. Nghiên cứu cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh theo hướng đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận cuộc cách mạng 4.0; từng bước hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và điều hành lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, hệ thống đào tạo trực tuyến; khuyến khích các cơ sở giáo dục nhà nước xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa……

Ngoài ra, Quảng Trị cũng sẽ chú trọng đến hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, có những điều chỉnh kịp thời về đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; tăng cường các hoạt động hợp tác đa phương, song phương trong lĩnh vực giáo nghề nghiệp, như: liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị.

Chúng tôi cũng đã và đang chỉ đạo các cơ sở GDNN nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN về yêu cầu cấp bách trong đổi mới GDNN hướng tới cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới tổ chức đào tạo theo mô đun, tín chỉ và phát triển đào tạo trực tuyến sẽ là hướng đào tạo chủ yếu. Chương trình đào tạo phải được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác, tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề; thay đổi phương pháp đào tạo trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng.

Tác giả: THẢO VI

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP