Tin địa phương

Quảng Bình: Tăng cường phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt thiên tai, Quảng Bình đang tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2023.

Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của mưa bão

Ngày 27/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2023.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết bất thường để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa.

Đồng thời bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến môi trường trước, trong và sau mỗi đợt bão, mưa lũ, không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy sản, tinh bột sắn, mủ cao su, xi măng, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở xử lý chất thải, thủy điện, hồ, đập... đặc biệt là các cơ sở sản xuất có công trình hồ chứa chất thải, nước thải.

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ"; không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý cảng đường thủy nội địa, cảng sông, ven biển có biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết các sự cố môi trường xảy ra, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ.

Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thống kê, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại các lưu vực sông, hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện, khu vực nuôi trồng thủy hải sản... để hướng dẫn các cơ sở thực hiện cải tạo, gia cố, đặc biệt tại các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lũ lụt gây ra.

Ban quản lý các cảng cá, cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp; các đơn vị quản lý bến cảng đường thủy nội địa, cảng cửa sông, ven biển, khu neo đậu tránh trú bão chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố chìm, đắm tàu thuyền hoặc tràn dầu xảy ra.

Một điểm sạt lở đất đá trên tuyến đường miền núi

Trong những ngày vừa qua, do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, ở khu vực Quảng Bình có mưa vừa đến mưa to làm nước các sông suối dâng cao, gây ngập, chia cắt một số khu vực tại huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến trưa 27/9, mưa ngớt, trên địa bàn tỉnh còn 9 thôn, bản bị chia cắt; nhiều tuyến đường bị sạt lở chia cắt cục bộ đã được lực lượng chức năng huy động máy móc thu dọn để các phương tiện lưu thông.

Tác giả: Lưu Hương

Nguồn tin: Báo Chính phủ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP