Tin địa phương

Quảng Bình: Khiếu nại đền bù môi trường chưa chính xác

Thời gian qua, những tưởng vấn đề liên quan đến Formosa đã dần lắng xuống nhưng hàng loạt đơn thư khiếu kiện về việc đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển vẫn được gửi đến các cấp chính quyền của các địa phương chịu ảnh hưởng. Vậy nguyên nhân do đâu?

Sông Nhật Lệ

Nhiều khúc mắc đối với các văn bản chỉ đạo

Nhằm giải quyết thiệt hại của người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg ký ngày 29/9/2016 (QĐ 1880) và Quyết định 309/QĐ-TTg ký ngày 9/3/2017 (QĐ 309) có nội dung liên quan đến định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh nêu trên. Tại các QĐ này đã nêu rõ đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường; định mức và thời gian tính bồi thường thiệt hại; nguồn kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Công văn số 6851/BNN-TCTS ký ngày 12/8/2016 (CV 6851) và Công văn 3165/BNN-TCTS ký ngày 14/4/2017 (CV 3165) để hướng dẫn kê khai bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

CV 3165 chỉ rõ: “đối tượng nuôi bị chết từ 70% trở lên là: Cơ sở nuôi trồng thủy sản có đối tượng nuôi bị chết hoàn toàn hoặc chết số lượng lớn không thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản vụ nuôi đó” và “ thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển: thời gian tính từ ngày 6/4/2016 - 30/8/2016; nguyên nhân chết do: lấy nước biển trực tiếp vào ao nuôi; hạn chế lấy nước bổ sung vào ao nuôi dẫn đến môi trường nuôi bị ảnh hưởng làm phát sinh bệnh và chết không được xác định nguyên nhân”. Về việc xác định thiệt hại do thủy sản nuôi bị chết, Bộ NN&PTNT yêu cầu, phải kê khai thiệt hại theo biểu mẫu, được thôn/xóm họp cộng đồng xem xét, thống nhất và có biên bản xác minh thủy sản nuôi bị chết lâp tại thời điểm thủy sản nuôi bị thiệt hại. Đối với các trường hợp không có biên bản xác minh thủy sản nuôi bị chết tại thời điểm đó, “Hội đồng xác định thiệt hại cấp xã có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và niêm yết công khai theo quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát tính xác thực của hồ sơ kê khai bồi thường thiệt hại”.

Tuy vậy, trên thực tế, hoạt động bồi thường cho người dân chịu ảnh hưởng của sự cố không diễn ra hoàn toàn như các văn bản chỉ đạo mà tại nhiều xã, huyện của Quảng Bình, chính quyền thực hiện mỗi nơi một khác, không căn cứ thực tiễn và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đây chính là nguyên nhân làm cho người dân chịu thiệt hại nặng nề từ sự cố môi trường biển không nhận được tiền đền bù theo đúng quy định, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài tại địa phương.

Nhiều uẩn khúc

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có mặt tại tỉnh Quảng Bình để làm rõ vấn đề này và nhận được rất nhiều đơn thư của người dân liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, một số người dân Thị trấn Quán Hàu cho biết, việc đền bù và hỗ trợ đối với người dân thị trấn bị ảnh hưởng sự cố được tính theo công lao động chứ không được tính theo diện tích hay số giống như trong Phụ lục của QĐ 1880. Khi thấy việc tính toán thiếu thực tế, người dân làm đơn lên Chính quyền xã, nhận được trả lời là do “không có biên bản cá chết”. Hơn nữa, nhiều hộ cho đến nay, vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Bà Võ Thị Ly Na (Tiểu khu 3, Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) bức xúc: “Trên cùng một dòng sông Nhật Lệ, tại sao UBND xã Lương Ninh và Võ Ninh có biên bản cá chết, còn UBND Thị trấn Quán Hàu không có biên bản cá chết? Trong thời điểm tháng 5, số cá chết là 70%. Từ tháng 5 đến tháng 9, cá vẫn chết, nếu cá còn sống cũng không ai mua. Trong khi đó, chúng tôi đã trình báo lên chính quyền, chính quyền đã về quay phim, chụp ảnh nhưng không có ai làm biên bản cho chúng tôi? Nay khi đề bù lại viện dẫn lý do không có biên bản là điều vô lý. Vì biên bản có được lập hay không là do chính quyền huyện, xã, thôn; đã đi đến tận hộ dân xem xét tình hình mà không có biên bản, lỗi thuộc về sự tắc trách của chính quyền, sao bắt chúng tôi chịu thiệt?”.

Với cách tính công lao động đã phát sinh nhiều tiêu cực, về vấn đề này, ông Võ Huy Tâm (Tiểu khu 3, Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) nhấn mạnh: “Có những hộ không nuôi trồng thủy sản, chỉ sửa chữa ô tô, xe máy mà vẫn nhận được tiền đền bù”. Một người dân khác cho biết thêm: “Hồ bỏ hoang cũng đền bù, thậm chí, có những hộ có người nhà đi lao động ở các công ty vẫn được đền bù”.

Tại một diễn biến khác, tại huyện Quảng Trạch, theo tìm hiểu của PV, một số hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi lên chính quyền do chưa nhận được tiền bồi thường, thậm chí, chưa được rà soát và kiểm tra lại theo CV 3165.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tác giả: Linh Anh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP