Trong nước

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Có sự dung túng, bao che để phá rừng

“Trong các vụ việc phá rừng vẫn thấy có một cái gì đó ở đằng sau, tức là có sự dung túng, bao che hoặc nhắm mắt làm ngơ của lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng. Không thể có chuyện phá rừng ầm ầm như vậy mà không biết được” - đó là trao đổi của ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với PV Tiền Phong, liên quan đến hàng loạt các vụ phá rừng "kỷ lục" xảy ra liên tiếp tại địa phương này

Tình trạng phá rừng hàng loạt đang xảy ra tại Quảng Nam, ông Thanh cho rằng ngoài bất cập, chồng chéo quản lý còn có dấu hiệu tiêu cực của các cán bộ nhận nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

“Trong các vụ việc phá rừng vẫn thấy có một cái gì đó ở đằng sau, tức là có sự dung túng, bao che hoặc nhắm mắt làm ngơ của lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, không thể phá rừng ầm ầm như vậy mà không biết được” – ông Thanh nói.

Rừng đặc dụng Sông Thanh bị tàn sát

Ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp nóng với ngành chức năng. Cuộc họp đề cập nhiều vấn đề trong đó tập trung vào vấn đề cải tổ, kiện toàn sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là các ban quản lý rừng và đơn vị kiểm lâm. Quy rõ trách nhiệm nếu xảy ra phá rừng.

Theo đó, tổ chức sắp xếp lại lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng sẽ quản lý theo đơn vị hành chính và giao cho chính quyền địa phương quản lý, chịu trách nhiệm. Các ban quản lý rừng không quản lý theo lưu vực, theo vùng như hiện nay mà quản lý theo đơn vị hành chính, trực thuộc UBND huyện.

Các hạt kiểm lâm 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam mỗi huyện chỉ có 1 Hạt Kiểm lâm thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, không để tình trạng song trùng với địa bàn các ban quản lý với các Hạt trong huyện như hiện nay.

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn. Hiện nay mới chỉ bố trí được 70 người/ nhu cầu 170 người, sắp tới tỉnh sẽ bố trí đủ. Ít nhất mỗi xã sẽ có 1 kiểm lâm địa bàn. Những xã có rừng nhiều có thể có từ 2 – 3 kiểm lâm địa bàn.

Kiểm lâm địa bàn phải giao về cho trực tiếp chủ tịch UBND xã quản lý. Cán bộ kiểm lâm này phải “ăn nằm” dưới xã, trụ sở làm việc tại xã nhưng phải tổ chức theo dõi giám sát tuần tra bảo vệ rừng của các đội quản lý bảo vệ rừng của các thôn.

Ngoài ra, việc giao khoán bảo vệ rừng hiện đang giao cho nhóm hộ thì sắp tới chuyển sang giao cho cộng đồng thôn. Thôn sẽ thành lập các đội bảo vệ rừng chịu sự điều hành, giám sát chung của cán bộ kiểm lâm xã và cán bộ lâm nghiệp xã.

“Lần này quy rõ trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng. Qua việc phân cấp như vậy thì chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Không để tình trạng chồng chéo chức năng nhiệm vụ khó quy trách nhiệm như hiện nay” – ông Thanh nói.

Rừng tại Quảng Nam liên tục "chảy máu"

Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố vụ phá rừng lim quý hiếm

Ông Lê Trí Thanh cho biết, liên quan đến vụ phá rừng lim quý hiếm tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang, Quảng Nam) mà báo chí phản ánh, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển Viện kiểm sát lập hồ sơ truy tố.

Trước đó, PV Tiền Phong đã trực tiếp lội rừng ghi nhận hiện trường vụ phá rừng lim quý. Hàng chục gốc lim cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, nằm ngổn ngang giữa rừng.

Thống kê ban đầu của Chi Cục Kiểm lâm Quảng Nam, khu vực rừng lim bị phá xảy ra tại khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung.Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235 m3.

Đối với vụ phá rừng đặc dụng, giết hại động vật quý hiếm trong khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện BQL rừng Sông Thanh đang hoàn chỉnh báo cáo vụ việc, sau đó tỉnh sẽ chỉ đạo cụ thể. Tinh thần là phải xử lý nghiêm kể cả việc giết hại động vật quý hiếm. Riêng, cá thể vooc bị bắn chết nằm lại rừng, hiện đang chờ kết quả giám định gien từ đó hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố vụ án.

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, từ sau Tết Nguyên đán, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn. Vụ phá rừng lim quý hiếm với ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Thống kê, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; Vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3. Ngoài ra, tại rừng đặc dụng Sông Thanh xảy ra phá rừng đặc dụng, tàn sát động vật quý hiếm.

Tác giả: HOÀI VĂN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP