Tin địa phương

Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú ở Lệ Thủy

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có ba xã vùng sâu, vùng xa, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm gần đây, với sự đầu tư của chính quyền các cấp và ngành giáo dục, sự nghiệp “trồng người” ở vùng khó khăn này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Giai đoạn 2010 - 2015, huyện Lệ Thủy thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống trường lớp kiên cố, khang trang tại ba xã miền núi, vùng sâu là Ngân Thủy, Kim Thủy và Lâm Thủy. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước sinh hoạt… còn thiếu, cho nên việc vận động học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường cũng như thực hiện công tác dạy, học còn nhiều khó khăn. Nhiều học sinh bỏ học để đi nương rẫy cùng bố mẹ. Với quyết tâm không để giáo dục miền núi tiếp tục tụt hậu, giai đoạn 2016 - 2025, huyện Lệ Thủy triển khai đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng DTTS, miền núi”.

Qua gần ba năm thực hiện đề án, diện mạo giáo dục ở vùng DTTS và miền núi huyện Lệ Thủy có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý nhất là học sinh các cấp đến trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng dạy học từng bước được nâng lên. Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý cho biết, trước đây, việc đến trường của con em dân tộc Vân Kiều gặp nhiều khó khăn do nhiều bản ở xa trung tâm xã và không có chỗ ở lại. Nhưng từ khi Trường phổ thông dân tộc TH và THCS Lâm Thủy tại bản Xà Khía được chuyển sang mô hình bán trú thì việc đi học của học sinh thuận lợi hơn nhiều.

Do có chỗ ở bán trú cho nên số học sinh đến trường tăng gấp gần hai lần. Nhận thức của đồng bào Vân Kiều về việc học của con em mình đã có những chuyển biến tích cực hơn trước. Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy Võ Chương Đài cho biết, năm học 2018 - 2019, tỷ lệ tuyển sinh, huy động số lượng học sinh vào lớp 6 luôn đạt kế hoạch được giao, tỷ lệ chuyên cần của học sinh trên lớp đạt 95% trở lên. Trường lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học để kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện quyên góp giúp đỡ về vật chất, tạo điều kiện cho các em yên tâm đến lớp. Bên cạnh đó, trường chú trọng nhiều hoạt động khác như tăng gia sản xuất, dạy hát, dạy múa theo điệu cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều... nhằm khơi dậy trong mỗi học sinh ý thức tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình và tạo cho các em những sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP