Tin địa phương

NHCSXH huyện Quảng Trạch đẩy mạnh công tác giải ngân tại điểm giao dịch xã

Ngay từ ngày đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã phối hợp với chính quyền các xã chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội triển khai tuyên truyền và kịp thời chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

NHCSXH huyện giải ngân vốn tại phiên giao dịch xã Quảng Châu

Trong 3 tháng đầu năm 2018, NHCSXH Quảng Trạch đã thực hiện giải ngân với doanh số cho vay trên 30 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đạt trên 390 tỷ đồng, tăng trên 13 tỷ đồng so với cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 3,5%.

Thông qua các điểm giao dịch cố định tại 18 xã trên địa bàn huyện, NHCSXH đã tích cực giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách đến với bà con nông dân. Các hộ vay vốn chỉ cần đến điểm giao dịch xã để nhận tiền vay nên đã tiết giảm rất nhiều thời gian đi lại.

Bà Đặng Thị Mừng, hộ vay vốn ở thôn Trung Minh, xã Quảng Châu cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã, năm nay được xã và NHCSXH xem xét cho vay 50 triệu đồng để về mua bò sinh sản, chăn nuôi, cải tạo vườn cây, gia đình tôi mừng lắm, tôi hứa sẽ trả nợ gốc, lãi đầy đủ cho Ngân hàng ”.

Tại các điểm giao dịch lưu động tại xã, cán bộ NHCSXH đã triển khai nhiều nội dung mới về các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, các chỉ đạo về nâng cao chất lượng hoạt động nguồn vốn tín dụng chính sách đến mạng lưới chính quyền, tổ chức hội xã, tổ Tiết kiệm và vay vốn để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát hồ sơ trước và sau khi cho vay; đảm bảo bà con vay vốn về sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Các chương trình cho vay có doanh số lớn như: cho vay hộ cận nghèo 12.525 triệu đồng, hộ nghèo 3.020 triệu đồng, Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 6.010 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 3.868 triệu đồng, cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 695 triệu đồng, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 2.496 triệu đồng,… Một số xã có doanh số cho vay lớn như: xã Quảng Châu 5,7 tỷ đồng, xã Quảng Phương 3,4 tỷ đồng, xã Quảng Hợp 2,9 tỷ đồng, xã Quảng Thạch 1,3 tỷ đồng…

Để có được kết quả như vậy trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện trong việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân; Lãnh đạo UNBD các xã đã tích cực chỉ đạo các tổ chức trong màng lưới thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích xin vay.

Có thể nói điểm giao dịch tại xã của Ngân hàng CSXH chính là cầu nối để nguồn vốn của Chính phủ đến tận tay bà con nông dân một cách nhanh chóng và an toàn nhất, nhằm phát huy hiệu quả trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP