Thế giới

Nhật Bản nghi ngờ Triều Tiên lén nhập dầu lậu

Máy bay tuần tra Nhật Bản nghi ngờ các tàu chở dầu của Triều Tiên và Dominica đã lén lút trao đổi dầu trái phép trên biển Hoa Đông, bất chấp nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc và Triều Tiên đã mua bán dầu trái phép trên biển (Ảnh: Chosun)

Theo Kyodo, máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã chụp các bức ảnh cho thấy hoạt động liên lạc khả nghi giữa các tàu chở dầu của Triều Tiên và Cộng hòa Dominica trên biển Hoa Đông, gần vùng biển ngoài khơi thành phố Thượng Hải, Trung Quốc hôm 20/1. Khi đó, các máy bay Nhật Bản đang tuần tra để phát hiện các hoạt động vận chuyển dầu tinh chế trái phép của Triều Tiên trên biển.

Kyodo dẫn các nguồn tin cho biết thông tin trên đã được chuyển tới chính phủ Mỹ - đồng minh quan trọng của Nhật Bản và là nước dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay đối với Triều Tiên.

Tháng 9/2017, sau một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết cấm các nước thành viên Liên Hợp Quốc tham gia vào các hoạt động vận chuyển bất kỳ hàng hóa hay vật dụng nào cho các tàu mang cờ Triều Tiên trên biển.

Theo yêu cầu của Mỹ, kể từ cuối năm ngoái, các tàu và máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tiến hành tuần tra ở các vùng biển gần lãnh thổ nước này với mục tiêu phát hiện các trường hợp vận chuyển dầu khả nghi liên quan tới Triều Tiên.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Tokyo sẽ đảm bảo tính hiệu quả của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an bằng cách phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, không chỉ với Mỹ và Hàn Quốc mà còn với Trung Quốc và Nga.

Hồi tháng trước, truyền thông Hàn Quốc đưa tin các vệ tinh do thám của Mỹ đã chụp một số bức ảnh cho thấy các tàu cỡ lớn của Trung Quốc và Triều Tiên mua bán dầu trái phép ngoài biển. Các vệ tinh này đã phát hiện tàu Trung Quốc bán dầu cho Triều Tiên khoảng 30 lần kể từ tháng 10/2017.

Sau đó, Reuters tiếp tục dẫn một số nguồn tin an ninh Tây Âu cho biết các tàu của Nga đã bí mật cung cấp dầu cho Triều Tiên ít nhất 3 lần trong những tháng gần đây. Theo các nguồn tin, các vụ cung cấp dầu này diễn ra theo hình thức các lô hàng được bốc dỡ ngay trên biển. Cả Nga và Trung Quốc đều lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.

EU trừng phạt công dân Triều Tiên

Liên minh châu Âu (EU) vừa áp đặt các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số công dân Triều Tiên bị cáo buộc giúp Bình Nhưỡng lách các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc liên quan tới chương trình vũ khí của nước này.

Trong số các công dân Triều Tiên bị trừng phạt lần này, nhiều người là các nhà ngoại giao Triều Tiên ở châu Phi và châu Á. Họ đã sử dụng các công ty bình phong ở các quốc gia như Mozambique, Eritrea và Malaysia để cung cấp than, vũ khí, thiết bị vô tuyến và các trang thiết bị quan trọng khác cho chính phủ Triều Tiên.

Ngày 22/1, các ngoại trưởng EU cũng nhất trí áp dụng các biện pháp trong gói trừng phạt mới nhất nhằm cắt giảm quan hệ thương mại với Triều Tiên. Động thái này thể hiện sự đoàn kết của EU với các đối tác thương mại chính là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP