Tin địa phương

Nhấn chìm 2,5 triệu m3 bùn thải xuống biển: Thận trọng...

Dù là nhấn chìm hay san lấp mặt bằng với 2,5 triệu m3 bùn thải của EVN cũng khiến môi trường bị ảnh hưởng.

Dân trong thôn sẽ di dời nếu...

Sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường có ý kiến về đề xuất nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải tại biển Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tính đến việc thay đổi phương án xử lý. Thay vì việc nhận chìm số bùn thải này, đơn vị sẽ đề xuất dùng để san lấp mặt bằng trên cạn, vùng rìa xung quanh nhà máy ở thôn Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch).

Để làm được việc này, Tập đoàn EVN muốn di dời toàn bộ người dân ở thôn Vĩnh Sơn đến nơi ở mới.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, chưa nhận được đề xuất của EVN nhưng sẽ thận trọng, tham khảo cơ quan chức năng trước đề xuất dùng bùn thải san lấp mặt bằng trên cạn của đơn vị này.

Về việc sẽ phải di dời toàn bộ người dân thông Vĩnh Sơn để phục vụ việc san lấp mặt bằng của EVN, ông Đạt cho hay, trước đây đã từng có dự án trên địa bàn cũng tính tới việc này nhưng sau đó gặp trục trặc nên không thực hiện được.

Vùng biển tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

"Nếu việc di dời người dân đến nơi ở mới sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân thì huyện luôn ủng hộ. Hiện chúng tôi chưa biết được phương án cụ thể của EVN như nào nên cũng không thể nói trước" - ông Đạt cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông chia sẻ, người dân ở thôn Vĩnh Sơn đã sống nhiều đời trên vùng đất này, họ có công việc, thu nhập ổn định. Trước đây khi có một dự án định di dời người dân thôn Vĩnh Sơn đến một nơi ở mới đã nhận được sử đồng tình của phần lớn bà con trong thôn.

"Nếu việc di dời là chủ trương của lãnh đạo tỉnh, tạo việc làm cho người dân, giúp cuộc sống của họ ổn định hơn thì chính quyền xã luôn ủng hộ và kể cả người dân thôn Vĩnh Sơn cũng sẽ làm theo" - ông Hiển nói.

Cần giữ thận trọng

PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, việc nhận chìm hay san lấp trên cạn 2,5 triệu m3 bùn thải của EVN tại Quảng Bình chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường, đời sống dân sinh trên địa bàn.

Ông Khiển cảnh báo, đã có rất nhiều vụ việc nhận chìm bùn thải xảy ra ở Việt Nam để lại hậu quả lớn về môi trường địa chất, sinh thái, cuộc sống người dân... Chính vì thế, cơ quan chức năng cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định để EVN làm việc này.

"Bản đánh giá tác động môi trường là yếu tố ban đầu để cơ quan chức năng xem xét, quyết định cho EVN có được nhận chìm hay san lấp bùn thải hay không. Sau đó còn hàng loạt các vấn đề khác cần phải thẩm định, đánh giá như công nghệ, phương án thi công, giám sát, quan trắc môi trường... thì EVN mới được phép thực hiện" - PGS. TS Nguyễn Xuân Khiển cho hay.

Vị chuyên gia đánh giá cao sự thận trọng của Bộ Tài nguyên - Môi trường về đề xuất xin nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải của EVN tại vùng biển Quảng Bình.

"Bộ Tài nguyên - Môi trường cần giữ nguyên sự thận trọng này trước đề xuất mới - san lấp mặt bằng bằng 2,5 triệu m3 bùn thải của EVN để tránh đi vào vết xe đổ, gây hậu quả đáng tiếc" - PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển bày tỏ.

Tác giả: Vân Mai

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: bùn thải , nhấn chìm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP