Giáo dục

Nhà giáo muốn Bộ Giáo dục cải tổ hội thi giáo viên giỏi

Hội thi cần thực chất, nếu không quản lý tốt và tiếp tục sa vào bệnh thành tích thì nên bỏ để giảm gánh nặng cho giáo viên.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khẳng định mục đích ban đầu của hội thi giáo viên giỏi các cấp là tốt. Hội thi đã tôn vinh và khen thưởng những giáo viên có thành tích, tạo điều kiện để thầy cô trau dồi năng lực, giao lưu kinh nghiệm với đồng nghiệp. Song quá trình thực hiện, hội thi có "biến tướng". Lẽ ra giáo viên chỉ nên chuẩn bị giáo án, thiết bị cho bài giảng thì nhiều nơi lại chuẩn bị cả học sinh, dàn dựng "kịch bản".

 giáo viên giỏi

Hội thi giáo viên giỏi tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Báo Bắc Kạn.

Không ít thầy cô chọn những học sinh khá giỏi ở lại rồi cho trò yếu kém tạm sang lớp khác cho buổi thi. Học sinh cũng được "tập huấn" kỹ lưỡng trước bài giảng, ai phát biểu ý kiến cũng được chuẩn bị sẵn. "Thậm chí nhiều giáo viên còn khéo đến mức thay vì để học sinh trả lời đúng, trọn vẹn câu hỏi thì sẽ sắp đặt thứ tự để em sau bổ sung ý em trước, đến em thứ 3-4 là hoàn thiện đề bài. Tiết học bỗng dưng trở thành tiết diễn là vậy", thầy nói.

Giáo viên cùng địa phương sẽ biết thông tin và am hiểu nhất định về đồng nghiệp, trường bạn. Những tiết "diễn" sẽ dễ bị nhận ra, lâu dần hình thành tâm lý "người ta làm được thì mình cũng phải làm theo" nhằm chạy đua thành tích.

Bằng kinh nghiệm quản lý giáo dục 15 năm trước, thầy Ngai nhìn nhận thời đó đã có hiện tượng "diễn" nhưng chưa phổ biến. Càng ngày, hội thi dường như đang đi đến thoái trào. "Nhiều người làm quản lý biết có chuyện này chuyện kia chứ, nhưng vì đây là hội thi chung của ngành, từ trên giao xuống nên không có phản ánh, khiếu nại gì thì tất cả cứ để êm xuôi", thầy nói thêm.

Theo thầy Ngai, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục địa phương cần nghiêm túc rà soát, xem xét hiệu quả của hội thi giáo viên giỏi các cấp thời gian qua để nhận rõ đã thu hoạch được gì, điểm gì làm tốt, điểm gì hạn chế và khắc phục ra sao.

Một giáo viên giỏi phải được đánh giá là có khả năng truyền đạt bài học không chỉ cho học sinh giỏi mà khó hơn là làm cho học sinh yếu kém cũng hiểu bài. Do đó, tiêu chí chấm điểm của hội thi phải được thay đổi theo hướng mở, không gò bó rập khuôn. Các thành tích như khen thưởng cá nhân, đánh giá chất lượng trường học... cũng phải dần thoát ra thành tích từ hội thi giáo viên giỏi, để hội thi thực sự trở thành nơi giao lưu, học hỏi hơn là chạy đua thành tích.

"Nếu tiếp tục, phải chấn chỉnh để đi vào thực chất. Còn nếu như hiện nay thì nên bỏ vì nó hình thức, không mang lại ý nghĩa gì cho ngành mà làm mất thời gian thầy cô, học trò", thầy Ngai thẳng thắn.

PGS Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu phó Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM, cho rằng bệnh thành tích trong hội thi xuất hiện ở nhiều nơi bởi nếu không có giải cao thì người dự thi bị ảnh hưởng thi đua, người quản lý sẽ phật lòng. Nếu chỉ quy lỗi cho giáo viên trong những câu chuyện không hay ở Hải Phòng sẽ không đầy đủ, bởi hiện trạng trên còn có yếu tố của cấp quản lý giáo dục.

"Nguyên nhân sâu xa về tổ chức, quản lý, đánh giá hội thi cần được mổ xẻ. Ngay cả trong cách đánh giá giáo viên, nếu chỉ qua một vài tiết dạy để nói rằng giỏi hay chưa giỏi là không nên", bà Kim Anh nói và cho rằng danh hiệu giáo viên giỏi cần có sự phối hợp giữa hội thi với các kênh thông tin từ việc khảo sát học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Việc thi giáo viên giỏi nên đưa ra khỏi những tiêu chí "cứng" trong xét thi đua khen thưởng, đánh giá lao động.

"Những giải thưởng cho thầy cô có nhiều sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy nên trao trong những buổi lễ của trường như Nhà giáo Việt Nam 20/11, tất niên, tân niên nhằm tạo không khí vui tươi", bà nêu kinh nghiệm.

 Cô giáo

Cô giáo chủ nhiệm nhận học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 8 (TP HCM) thẳng thắn, trong số nhiều cuộc thi cho giáo viên hiện nay, hội thi giáo viên giỏi cần được giữ và đổi mới đồng thời loại bỏ một số cuộc thi "vô bổ" còn lại để giảm gánh nặng cho họ.

"Tôn chỉ, mục đích hội thi là thiết thực, bổ ích, nếu tổ chức như ngày hội của giáo viên, hướng tới mục tiêu cuối cùng là dạy học hay hơn thì quá tốt, sao phải bỏ? Quan trọng là đừng biến một hội thi trở thành cuộc chạy đua", thầy giáo nói.

Theo ông, chắc chắn không thể nói một giáo viên giỏi hay dở chỉ qua một vài tiết học. Việc có quá nhiều tiêu chí mang tính kỹ thuật ở khâu đánh giá trong hội thi giáo viên giỏi là sai lầm. "Ban giám khảo cũng là những nhà giáo lâu năm, họ có đủ kinh nghiệm để biết hiệu quả của bài giảng đó ra sao chứ đâu thể câu nệ các hình thức bề ngoài?", thầy nói.

Cũng theo hiệu trưởng này, ngành giáo dục cần phân biệt hai khái niệm giáo viên giỏi và giáo viên dạy giỏi. Để đánh giá một người là giáo viên giỏi cần nhiều tiêu chí, trong đó phải có ý kiến nhận xét từ học sinh, phụ huynh và hội đồng sư phạm. Nếu chỉ làm tốt công việc ở hội thi thì giáo viên đó chỉ là "dạy giỏi".

Ngày 9-11/1, trường tiểu học Lê Hồng Phong và Chu Văn An (quận Ngô Quyền) diễn ra Hội thi giáo viên giỏi thành phố bậc tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tin nhắn gửi phụ huynh học sinh thông báo: "Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học". Nhiều phụ huynh phản ứng, cho rằng nhà trường sắp xếp chỉ học sinh ngoan, học giỏi tham gia các tiết dạy, các em yếu kém phải ở nhà.

Sau khi rà soát theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, tổ công tác do TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, nhận định: "Nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi không còn phù hợp, sáng kiến kinh nghiệm không thiết thực, có tình trạng sao chép. Bài kiểm tra năng lực nặng về sách vở, có bộ đề cho trước dẫn tới luyện thi, ôn thi. Thi thực hành 2 tiết, trong đó có một tiết thực hành và một tiết tự chọn đều được chuẩn bị trước, dẫn tới tình trạng diễn trong các hội thi".

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP