Kinh tế

Nhà đài toan tính gì khi chi triệu USD mua bản quyền Asiad?

Không chỉ bài toán thu hút quảng cáo, các nhà đài khi mua bản quyền còn phải đối mặt với nạn khai thác lậu bùng nổ trên internet.

Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa thông báo nắm bản quyền phát sóng của Asiad 2018 tại Việt Nam và phát trên kênh VTC3 của truyền hình kỹ thuật số VTC - đơn vị thành viên của VOV, dù giải đấu này đã đi được một phần ba chặng đường. Trước đó, theo thông tin từ ban tổ chức, tại châu Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất không mua bản quyền phát sóng, trong đó lý do chủ yếu là giá quá cao.

Từ chối tiết lộ mức giá cụ thể, lãnh đạo VOV cho biết, mức chi là 1,2 triệu USD. Tuy vậy, để có được bản quyền nói trên, nhà đài vẫn phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai doanh nghiệp lớn. Không riêng ở Asiad 2018, trước đó, với một giải đấu thể thao được mong đợi nhất hành tinh là World Cup 2018 vừa diễn ra cách đây vài tháng, Đài truyền hình Việt Nam cũng phải có sự trợ giúp về tài chính của các doanh nghiệp để sở hữu được bản quyền phát sóng 64 trận đấu và việc đàm phán chỉ hoàn tất vào phút chót.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, đó cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại bởi việc nhà đài sở hữu bản quyền với mức giá cao vốn chứa đựng khá nhiều rủi ro về mặt kinh doanh. Và riêng trường hợp mua bản quyền muộn như VOV, những nguy cơ đó càng lớn hơn.

Khi Asiad trôi qua một phần ba chặng đường, người hâm mộ Việt Nam mới được trực tiếp theo dõi qua truyền hình. Ảnh: Đức Đồng.

Hiện các nhà đài có 2 nguồn thu chính để bù vào chi phí mua bản quyền, đó là khai thác tài trợ, quảng cáo và thu phí dịch vụ người xem.

Với những giải đấu như Asiad 2018 thì việc phát sóng của nhà đài không trông chờ vào thu phí người dùng, mà chỉ có nhà tài trợ và quảng cáo. "Tuy nhiên với những giải đấu như Asiad nếu đội tuyển bóng đá nước nhà không vào được vòng trong thì coi như giải đấu kết thúc, người xem sẽ không quan tâm đến kết quả các môn thi đấu khác. Khi đó, nhà đài sẽ đối mặt với việc không đủ chỗ để trả quyền lợi quảng cáo, các nhà tài trợ và phải cân đối để bù bằng cả những chương trình khác", một chuyên gia từ VTC cho hay.

Ông cũng cho rằng, việc các nhà đài "nâng lên đặt xuống" khi đưa ra quyết định mua bản quyền trong những năm gần đây càng chứng tỏ việc hoàn chi phí đầu tư mua bản quyền không dễ dàng. Theo chuyên gia này, giá bản quyền phát sóng các chương trình thể thao như vài năm trước rất "vừa miếng". Do đó, tuy có thể lãi không lớn, song theo ông, bản quyền thể thao có thể mang đến cho nhà đài thương hiệu tốt.

"Nếu giá mua tăng mạnh như thời gian gần đây thì việc đảm bảo nguồn thu quảng cáo sẽ không dễ dàng. Bởi thực tế, các nhà đài thường đàm phán được bản quyền xong mới có thể xây dựng phương án kinh doanh, mời chào nhà tài trợ, quảng cáo. Nếu chi phí mua bản quyền lớn thì rất khó xây dựng phương án kinh doanh", vị này nói.

Trong khi đó, nếu xây dựng phương án thu phí người xem thì tình hình chưa chắc đã khả quan hơn. Bởi ngay cả K+, đơn vị kinh doanh ngay từ đầu đã xác định chiến lược thu phí người xem bằng việc sở hữu các bản quyền đắt giá thì tại Việt Nam cũng từng gặp không ít khó khăn khi hoạt động kinh doanh bị tác động nhiều bởi phí bản quyền ngày càng tăng. Trong khi đó, số lượng thuê bao chịu trả phí cao vẫn tăng trưởng chậm khiến đơn vị này từng phải giảm giá cước, hoặc hợp tác với các nhà đài khác để phân phối gói kênh độc quyền.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, trong năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt khoảng 7.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ xấp xỉ 300 tỷ đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa, cứ 100 đồng doanh thu thì nhà đài chỉ có lợi nhuận 4 đồng, một mức rất thấp so với những ngành khác.

Lý do giá bản quyền liên tục đội cao khiến nhà đài phải đắn đo, song theo đại diện VTC, tình trạng phát sóng lậu tràn lan có thể khiến các nhà đài đổ vỡ kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó tại Việt Nam, việc khai thác bản quyền lậu thành một vấn nạn từ nhiều năm nay.

Để chứng minh cho vấn nạn vi phạm bản quyền, một chuyên gia thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông dẫn chứng ngay câu chuyện một trang web phát sóng trực tuyến "lậu" những trận bóng đá mà Việt Nam thi đấu tại Asiad trước khi VOV đàm phán mua được bản quyền cách đây ít ngày. Thậm chí, đơn vị này còn khai thác quảng cáo trên đó.

Tình trạng vi phạm bản quyền phát sóng thể thao đã và đang diễn ra rất phổ biến tại Việt Nam. VTVcab từng chi một số tiền rất lớn để mua bản quyền C1 phải đối mặt phát sóng lậu trong suốt nhiều năm mà không thể kiểm soát, từng nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới cơ quan quản lý. Nhà đài này không chỉ phải chịu mức phạt rất lớn và bị đối tác nước ngoài yêu cầu ngừng phát sóng mà còn phải chịu những tổn thất nặng về quảng cáo, cũng như bị ảnh hưởng xấu về uy tín với khán giả, đối tác.

Không chỉ bản quyền các chương trình thể thao, gần đây bản quyền của bộ phim "Diên Hy công lược" cũng gây không ít sóng gió cho các nhà đài. Trong khi các đơn vị sở hữu bản quyền là FPT Play, HTV7... còn đang đàm phán về tiến độ phát sóng thì trên một số trang web, thậm chí fanpage nhiều cá nhân, hàng chục tập của bộ phim đã được đăng tải với đầy đủ phụ đề. Tốc độ phát tán của bộ phim còn nhanh hơn lịch chiếu của trang phát hành chính thức tại Trung Quốc - nơi sản xuất bộ phim. Dù không tiết lộ những phiền phức gặp phải từ phía đối tác nhưng các nhà đài đều từng phải ra thông báo tạm ngừng phát sóng bộ phim để đàm phán với đơn vị cung cấp bản quyền mà lý do là tình trạng phát lậu bộ phim có diễn biến phức tạp.

"Thói quen xem miễn phí của công chúng Việt Nam vẫn tồn tại, nên nếu thu phí thì người xem sẽ ít đi. Trong khi đó, một kế hoạch kinh doanh, khai thác quảng cáo có thể đổ vỡ khiến nhà đài thiệt hại hàng triệu USD nếu gặp tình trạng phát sóng lậu. Trong khi đó, hiện nay công nghệ khai thác lậu ngày càng tinh vi", chuyên gia thuộc VTC cho hay.

Tác giả: Nguyễn Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Nhà đài , bản quyền Asiad

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP