Giáo dục

“Ngôi sao xanh” trên núi Leng Su Sìn

Biên phòng - Đại úy Lỳ Hừ Cà “sở hữu” tất cả những điều mà chúng tôi cần cho cuộc tìm kiếm tư liệu của mình ở vùng biên giới Điện Biên. Anh là người Hà Nhì, sinh ra và lớn lên ở Chung Chải, Mường Nhé; là cán bộ cốt cán trong phong trào thanh niên của đơn vị giàu truyền thống là Đồn BP Leng Su Sìn, là cá nhân thấm nhuần và kế thừa truyền thống đó một cách đầy tự hào. Hơn thế nữa, anh là chìa khóa mở ra cả kho tư liệu về công cuộc sắp xếp và ổn định người Mông di cư ở đây.

Đại úy Lỳ Hừ Cà bên Tượng đài Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ Đồn BP Leng Su Sìn. Ảnh: Thụy Văn

Trong con người Đại úy Lỳ Hừ Cà ẩn sâu một nét thâm trầm, chắc chắn, tư duy sắc bén và khéo léo đặc trưng của một cán bộ vận động quần chúng trẻ thông thạo lý luận nhưng lại có nhiều trải nghiệm thực tế. Anh sinh năm 1983, khi Leng Su Sìn trải qua những ngày gian khó chưa xa, nên con đường để học chữ cũng phải xa nhà, ở nội trú, bữa đói bữa no, khó khăn hơn gấp bội so với những thanh niên cùng thế hệ ngày ấy. Vì vậy, bây giờ khi đi địa bàn, anh thương trẻ con nhà nghèo khó như thương chính mình.

Năm 2014, khi “bốn cùng” với bà con ở bản Nậm Sin, Lỳ Hừ Cà phát hiện một gia đình cứ lặng lẽ nén chịu nỗi đau của mình khi bị hàng xóm chèn ép hết lần này, lần khác. Người mẹ trẻ đơn thân sinh con thứ 3 bị tai biến tử vong. Đứa trẻ lớn 10 tuổi phải bỏ học để chăm em. Ngôi nhà cũ xuống cấp sắp đổ ập. Hàng xóm càng có cớ chèn ép họ. Gần như chẳng phải suy nghĩ gì nhiều, anh là “thủ lĩnh” thanh niên, người nắm giữ công tác vận động quần chúng nên tham mưu Ban chỉ huy đơn vị vận động anh em bỏ ra ngày lương, ngày công của mình, vận động bà con chòm xóm quanh đó đùm bọc. Kết quả khiến mọi người rưng rưng nước mắt, đã gom được tới 50 triệu đồng để dựng nhà lại cho 2 đứa trẻ mồ côi, hóa giải luôn những nghi kị chèn ép nhau của mấy người hàng xóm. Từ đó, hình ảnh BĐBP càng khắc sâu vào trái tim của những người dân Nậm Sin. Lỳ Hừ Cà đã trở thành người thân thiết của cả bản.

Chính trị viên Đồn BP Leng Su Sìn, Trung tá Lò Văn Thoan nói với tôi: “Dù địa bàn có chuyện gì, cứ giao cho Đại úy Cà, cậu ấy sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trong tình huống khó nhất, Cà cũng sẽ tìm ra được phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý”.

2 xã Chung Chải và Leng Su Sìn đều là địa bàn khó khăn của vùng biên giới Điện Biên. Lỳ Hừ Cà chưa bao giờ được nghỉ ngơi thư giãn từ khi anh nhận nhiệm vụ ở đơn vị. Hiện tại, anh là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn BP Leng Su Sìn. Đang theo học lớp tiếng Lào, anh tự tin nói rằng, sau khóa học này, sẽ thông hiểu cả văn hóa, tiếng nói của người dân Lào và làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đối ngoại biên phòng. Cứ như thế, dù là “mặt trận” nào, dù nghiên cứu, thực tiễn, hay tư duy lý luận, Đại úy Lỳ Hừ Cà luôn đặt ra mục tiêu vượt lên trên lằn mức của mình. Dòng máu cần mẫn, thông tuệ sâu thẳm của dòng họ người Hà Nhì gắn bó với rừng lâu đời chảy trong huyết quản của anh, mách bảo anh những tình huống có ảnh hưởng xấu đến đời sống yên tĩnh của bản làng. Có những tình huống như là “đòn cân não”, muốn hoàn thành nhiệm vụ, không còn cách nào khác là phải khéo léo xử trí, thừa lệnh cấp trên, được lòng dân, kính già yêu trẻ.

Có những lúc tham mưu một vấn đề khó với địa phương, một là phải giải thích, phân tích lý lẽ với những kẻ cố tình không hiểu chuyện, hai lại phải hòa nhã với số đông bà con. Những tình huống xảy ra khi người nhập cư mâu thuẫn với dân bản địa lâu đời, phá rừng làm nương rẫy, mâu thuẫn đường đi chung, mâu thuẫn ngay trong anh em họ hàng, chồng vợ, người ta cũng gọi đến anh. Có lần, trong cuộc họp với dân, người dân bức xúc với nhau đứng lên chỉ mặt anh để chỉ trích, bất tuân những cam kết không phá rừng, không nghe truyền đạo trái phép, không bầu cử... Lúc đó, anh lại phải tìm mọi cách sao cho cuối cùng người dân hiểu ra, tâm phục khẩu phục, tuân theo luật pháp Nhà nước.

Lỳ Hừ Cà yêu rừng như yêu hơi thở của mình. Anh nói: “Khi tôi sinh ra, nhìn bốn phía đều thấy rừng. Bây giờ người ta chặt hết, thành đồi trọc. Bao nhiêu người cố gắng mà không giữ nổi. Tôi rất buồn khi thấy chưa đầy 10 năm, rừng Mường Nhé bị phá sạch”. Đại úy Cà nói những điều đó trong xót xa. Anh bảo muốn người ta không phá rừng, phải giải quyết vấn đề sinh kế lâu dài và người dân phải được sống quần tụ, tương trợ lẫn nhau, hình thành các khu dân cư có văn hóa lâu bền.

Khi UBND tỉnh Điện Biên triển khai Đề án 79 về việc sắp xếp, ổn định người Mông di cư vào Mường Nhé, Đại úy Cà là cán bộ Biên phòng đầu tiên có mặt ở khu đất thành lập bản mới. Việc họp dân lập bản, không có anh là chẳng ai nghe ai. Anh vận động mãi, có người chất vấn: “Lỳ Hừ Cà à, về bản mới, cán bộ có gánh nước cho tôi ăn không, có nương cho tôi làm không?”. Câu hỏi xóc tận tâm can. Lỳ Hừ Cà nói, giá như tôi có thể khẳng định thay họ rằng, về bản mới là có nước sạch, là có cơ hội cho trẻ con học hành, có ruộng để làm, cơm để ăn. Tiếc rằng, vấn đề ổn cư người Mông là vấn đề lớn, cả xã hội, cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc. Chỉ cần một lần bất tín, là cả dự án sẽ không có hiệu quả, anh đành phải từng bước xây dựng lòng tin với bà con.

Lỳ Hừ Cà nói rằng, điều tự hào nhất của anh, là anh được công tác trong một đơn vị giàu truyền thống anh hùng với tượng đài sừng sững trong lòng dân là hình ảnh anh hùng Trần Văn Thọ với bà con người Hà Nhì ở Leng Su Sìn. Tôi thấy Lỳ Hừ Cà có cuốn sổ riêng, ghi chép lại những tư liệu anh thu thập được trong suốt quá trình ở địa bàn, nói chuyện với những người cao tuổi, những đồng đội qua từng thời kỳ chiến đấu, học tập và tu dưỡng bên cạnh người anh hùng. Ở anh là sự tiếp nối đáng quý của truyền thống, nhưng có tri thức hơn, có tính thời cuộc hơn.

Anh phải giải những bài toán khó mà so với thời kỳ khó khăn nghèo đói trước đây của bậc tiền bối, lại có những gian truân riêng. Cuộc chiến không phải ở 2 giới tuyến, 2 mặt trận hay là kẻ thù rõ mặt mà là đấu tranh với đói nghèo, lạc hậu dai dẳng, với sự chống phá của các thế lực thù địch không dễ để chiếm được thế chủ động. Chỉ cần một sự chểnh mảng, hoặc thiếu kinh nghiệm là đánh mất sự chủ động trên địa bàn phụ trách, những truyền thống tốt đẹp của cha anh sẽ không còn phát huy tác dụng, lực lượng thanh niên BĐBP không còn tính tiên phong. Lỳ Hừ Cà là người hiểu điều đó hơn cả.

Trên đường chúng tôi đi công tác ở địa bàn, Lỳ Hừ Cà tranh thủ chút ít thời gian buổi trưa đến ghé thăm con trai. Nhà anh xa trung tâm xã quá, nên anh gửi con cho dì của bé để bé có thể đi học ở trường mầm non. Anh mang con lại gần trung tâm xã cũng là để thỉnh thoảng có thể ghé thăm con vào buổi trưa trong chuỗi ngày quá bận rộn, không sắp xếp được thời gian thăm nhà. Cô giáo của bé biết ý, để 2 cha con chơi với nhau trong vườn. Giây phút bé con lẫm chẫm đi theo cha trong bóng nắng gay gắt của biên cương làm chúng tôi xúc động. Anh bảo lúc nào anh đi vào địa bàn xa, cách trung tâm vài chục cây số, bao giờ cũng ghé qua thăm con, gương mặt trẻ thơ của bé thôi thúc anh mạnh mẽ hơn.

Và không có khó khăn nào khiến anh dừng bước.

Tác giả: Thụy Văn

Nguồn tin: Báo Biên phòng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP