Giải trí

Nghệ sĩ Minh Vượng: Tâm hồn trẻ thơ ở tuổi ngoài 60

Diễn viên gạo cội dồn tâm huyết đóng phim, dạy trẻ và tận hưởng cuộc sống độc thân trong căn nhà có hàng trăm thú bông.

Như thường lệ, sáng thứ tư hàng tuần, Minh Vượng dậy sớm, chuẩn bị cho tiết kể chuyện tại một trường mầm non quốc tế ở Hà Nội. Trên chiếc xe máy số, bà tự di chuyển từ nhà đến nơi làm việc. Mặc áo phông kết hợp quần bò ống rộng, giày thể thao, Minh Vượng toát lên vẻ phóng khoáng, trẻ trung.

Đến sớm khoảng 10 phút, bà phải trốn vì sợ các em nhỏ nhìn thấy. Chúng sẽ nháo nhào, ùa ra khỏi chỗ ngồi, chen nhau chờ được bắt tay, xoa đầu. Khi chuông reo báo giờ vào học, nữ nghệ sĩ 61 tuổi bước vào lớp, trên tay là vô số cây kẹo nhỏ. Giữa những tiếng hò hét "Minh Vượng! Minh Vượng", bà duyên dáng đi từ đầu đến cuối lớp, đập tay bạn này, cho kẹo bạn kia. Minh Vượng bẩm sinh đã thu hút trẻ em. Câu chuyện Dê đen và dê trắng qua cách kể hóm hỉnh của chị trở nên sinh động. Lũ học sinh mới vài phút trước ồn ào giờ im phăng phắc, mắt mở to, chăm chú nuốt từng lời. Độc tấu chừng ba, bốn tiểu phẩm, bà thông báo chương trình sắp hết và chào các khán giả nhí, khiến các em òa lên tiếc nuối. Một vài bạn rớm nước mắt đòi Minh Vượng diễn thêm.

Tiết học kết thúc lúc 10h, Minh Vượng tranh thủ trò chuyện với một vài người bạn. Gặp ai bà cũng niềm nở bắt tay, hỏi han đủ chuyện. "Nơi nào có Minh Vượng là nơi ấy rộn rã tiếng cười", một người nhận xét. Ngoài đời, Minh Vượng cũng hồn nhiên như trên phim ảnh và sân khấu. Đôi mắt sáng sau cặp kính tròn luôn toát lên ý cười. Khi đi làm, những lúc giải lao, bà trêu chọc hết người này người khác. Trên trang cá nhân, chị thích chia sẻ những khoảnh khắc ngộ nghĩnh và các câu chuyện hài hước.

Ngoài 60 tuổi, Minh Vượng vẫn lí lắc như trẻ thơ. Nghệ sĩ hay bị bạn bè trêu vì sở thích chơi đồ hàng giống con nít. Trong căn nhà ở Hà Nội, bà xếp ngay ngắn hàng trăm thú nhồi bông. Bận trăm công nghìn việc nhưng cứ rảnh rang là bà tranh thủ giặt giũ, khâu vá, chăm chút cho từng chú. Những kỷ vật đa số được nghệ sĩ mua trong các chuyến lưu diễn nước ngoài hoặc do người thân tặng. Khi đi ngủ, Minh Vượng còn ôm một chú gấu to. Sinh ra trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, tuổi thơ thiếu thốn khiến bà càng trân trọng những món đồ chơi này. Mỗi khi chăm chút thú nhồi bông, bà thấy trong người thư thái.

Minh Vượng tâm sự hài lòng với cuộc sống độc thân. Nghệ sĩ kể bà không kết hôn một phần vì sức khỏe yếu, một phần vì quá say nghề. Trong sáu anh chị em, bà là người duy nhất không có con. "Trên sân khấu, tôi hay đóng những tiểu phẩm mang ý nghĩa giáo dục, hướng thiện. Ngoài đời, tôi luôn tự nhủ hãy vui vẻ với những gì mình đang có. Ông Trời rất công bằng, được cái nọ sẽ mất cái kia", bà nói.

Sống một mình, Minh Vượng không mấy khi thấy buồn hay cô đơn bởi lịch đi dạy, đi diễn đều kín lịch. Những lúc rảnh rỗi, nghệ sĩ quây quần với anh chị em, con cháu. Nhà đông người nên lúc nào cũng rôm rả. Vài đứa cháu lớn đã lập gia đình, đều coi bà như người mẹ thứ hai. "Mỗi khi trái gió trở trời, tôi ca cẩm vài câu rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy", Minh Vượng giãi bày.

Nhiều năm nay, nghệ sĩ mắc chứng tiểu đường, thấp khớp nên "kiếm được bao nhiêu tiền chi vào thuốc thang hết". Mỗi tháng, bà tiêu tốn ít nhất 25-30 triệu đồng. Thế nhưng Minh Vượng không bận lòng vì tiền làm nghề vừa đủ trang trải chi phí chữa bệnh.

Từ khi về hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội, Minh Vượng dành nhiều thời gian gắn bó với trẻ nhỏ, đào tạo sinh viên. Cầm sổ hưu bảy năm nay nhưng nghệ sĩ làm việc thậm chí nhiều hơn khi còn công tác. Bà đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, tham gia dự án sân khấu học đường, dàn dựng các vở như Quả táo thần, Ăn khế trả vàng... Công việc giúp bà tiếp xúc với trẻ em hàng ngày. Bà cũng tích cực đi diễn từ thiện ở nhiều bệnh viện, làng trẻ em.

"Người ta nói thiếu cái gì thèm cái đấy. Tôi không có gia đình nên thèm khát trẻ con. Các em nhìn thấy tôi đều gọi là 'chị Minh Vượng' hoặc 'Minh Vượng', chẳng bé nào gọi cô. Vì thế, lúc nào tôi cũng thấy mình trẻ trung, nhí nhảnh. Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của thiếu nhi, tôi hạnh phúc, quên hết đau đớn, bệnh tật, phiền muộn", nghệ sĩ tâm sự. Bà thường kể các câu chuyện nhân văn, xây dựng các tiểu phẩm ý nghĩa, mang thông điệp giáo dục. Minh Vượng mong muốn thông qua tiết mục của mình, trẻ nhỏ phần nào nhận thức được phải, trái, đúng, sai, trở thành công dân tốt trong tương lai.

Minh Vượng còn giảng dạy ở Cao đẳng Sân khấu Nghệ thuật Hà Nội - nơi bà từng học. Thù lao mỗi tiết là 40.000 đồng. Một buổi chiều, bà nhận 160.000 đồng. "Sức lực bỏ ra khi dạy ở các trường, trung tâm nghệ thuật rất lớn. Các em đóng ba vai, tôi đóng ba vai. Thậm chí với những tiểu phẩm tổng hợp gồm 15, 20 nhân vật, tôi cũng phải hướng dẫn từng ly từng tí. Bạn không thể để mặc các em tự mò mẫm", Minh Vượng nói về chuyện giảng dạy. Nhiều người bảo bà "điên" vì bỏ những show diễn nhiều tiền để đi "bán cháo phổi". Thế nhưng, Minh Vượng quan niệm đi dạy không phải vì tiền. Điều quan trọng là đào tạo các lớp thế hệ diễn viên mới, giúp nối dài nghiệp sân khấu.

Minh Vượng trong phim "Nàng dâu order".

Những năm gần đây, nhờ sức khỏe tốt lên, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vượng còn trở lại với một số phim, chương trình truyền hình. Bà đóng Hến - osin tinh quái trong hai phần phim Cả một đời ân oán. Năm ngoái, bà gây ấn tượng ở gala Táo quân nhờ lối diễn duyên dáng, hài hước. Gần nhất, nghệ sĩ hóa thân bà nội gia giáo trong phim Nàng dâu order. Dù đóng vai chính diện, giàu cảm xúc, ngoại hình phốp pháp cùng lối diễn hóm hỉnh của bà khiến khán giả bật cười.

"Tôi không cần quần áo đẹp, xe sang, hàng hiệu. Chỉ cần vài bộ áo phông, quần bò, xe đủ xăng, mát máy để tay lái lụa này đi khắp nơi là được", Minh Vượng tếu táo. Năm 2012, bà từng ngất trên sân khấu khi đi diễn ở Ninh Bình. Nhiều bạn bè lo lắng, khuyên nghệ sĩ nghỉ ngơi, có người còn hứa chu cấp cho bà tĩnh dưỡng nhưng đều bị Minh Vượng từ chối. Bà nói nghiệp diễn là duyên nợ, không thể bỏ được dù chỉ một ngày. "Khi biểu diễn, tôi được cười nói, nhảy múa, hát ca. Đó là những điều tôi đã đam mê từ khi còn trẻ", nghệ sĩ tâm sự.

Minh Vượng tên thật là Minh Phượng, sinh năm 1958 ở Lương Yên, Hà Nội. Từ nhỏ, bà mơ ước trở thành diễn viên. Năm 1973, Minh Vượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội nhưng gia đình không cho theo học. Năm 1974, bà đỗ vào Khoa Kịch nói, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, bà đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội.

Năm 1980, nghệ sĩ gây chú ý với vai một cụ bà nông thôn 80 tuổi trong vở Hà Mi của tôi do NSND Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Với vai bà mối trong vở Già kén và Kiều Nhung trong vở Vợ chồng rởm, bà đoạt hai Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc năm 1991. Ngoài ra, Minh Vượng nổi tiếng qua chương trình Gặp nhau cuối tuần và Gặp nhau cuối năm.

Tác giả: Hà Thu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP