Kinh tế

Nghề săn trứng kiến ở miền núi Thanh Hóa

Trứng kiến là món ăn quen thuộc của người dân miền núi Thanh Hóa với giá khoảng 200.000 đồng mỗi cân.

Tháng 3 hàng năm là mùa thu hoạch trứng kiến của người dân các huyện miền núi phía Tây Thanh Hoá như Cầm Thuỷ, Ngọc Lặc, Quan Hoá, Thọ Xuân, Lang Chánh.

Ông Trương Văn Tỉnh ở xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc theo nghề bắt trứng kiến hơn chục năm nay. Hàng ngày ông mang đồ nghề đơn giản là chiếc thang tre và con dao sắc đi tìm tổ kiến dưới các rặng cây trong vùng.

"Để lấy được nhiều trứng kiến, phải chọn ngày nắng ráo vì dễ leo trèo, ít gây ra tiếng động khiến kiến trưởng thành ôm trứng chạy khỏi tổ", ông Tỉnh nói.

Kiến thường làm tổ ở cành cây cao nhất, vị trí khó tiếp cận bằng thang nên người thợ phải leo trèo, nhích dần từng bước chân đến tổ kiến.

Người thợ lấy tổ từ trên cây xuống phải khéo léo để tránh bị kiến cắn. Kiến ở các huyện miền núi Thanh Hóa đa phần là kiến đen và kiến vàng.

Mỗi tổ kiến có hàng nghìn ngăn nuôi trứng. Người dân dùng dao chia nhỏ tổ làm nhiều phần trên chiếc mẹt rộng, kiến trưởng thành sẽ thoát ra ngoài, để lại trứng.

Sau khi phá tổ, người dân dùng cành cây để đuổi kiến bò ra khỏi mẹt. "Lúc này kiến vỡ tổ chạy khắp nơi và đốt rất đau, nhất là kiến ba khoang. Khi bị kiến cắn phải bình tĩnh, im lặng tìm cách rảy kiến ra khỏi người bởi nếu la hét hay nhảy chồm lên thì kiến sẽ bu vào đốt nhiều hơn", bà Đinh Thị Điều nói.

Những mẹt trứng kiến được sàng sảy để loại bỏ cành lá khô. Người dân mất khoảng 3 giờ đồng hồ để xử lý mỗi tổ kiến, từ khi thu hoạch trên cây xuống đến lúc có thành phẩm là trứng kiến.

Trứng kiến được người dân địa phương chế biến thành món ăn đa dạng như rang sả, nấu cháo, cuốn lá lốt, xào, làm nhân bánh, đồ xôi; giá bán mỗi cân trứng kiến khoảng 200.000 đồng.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP