Tin địa phương

Ngành Xây dựng Quảng Bình: Tự hào chặng đường 60 năm

Tròn 60 năm xây dựng, phát triển nhìn lại chặng đường đã qua với biết bao sự đổi thay, thăng trầm, ngành Xây dựng tỉnh Quảng Bình luôn trân trọng và tự hào về những đóng góp của ngành đối với sự phát triển của địa phương cũng như diện mạo kiến trúc, xây dựng tỉnh nhà.

Những tháng năm gian khó

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình.

Tiền thân là Ty Giao thông Công chính tỉnh Quảng Bình được thành lập tháng 10/1945, đây được coi là tổ chức tiền thân của ngành Xây dựng Quảng Bình sau này. Lúc mới thành lập Ty Giao thông Công chính Quảng Bình được giao nhiệm vụ quản lý mảng Giao thông, Thuỷ lợi, Kiến trúc của địa phương đó là thực hiện việc tu sửa lại các công sở do chính quyền cách mạng lâm thời tiếp thu, đồng thời cùng các bộ phận khác trong Ty tiến hành khảo sát đo đạc tính toán đường sá giao thông sao cho phù hợp đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân…

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lực lượng ngành Xây dựng đã cùng với ngành Giao thông Công chính tham gia nhiều chiến dịch mở đường. Khi đó, những tuyến đường giao thông mới mở, những kho tàng, công binh xưởng được lập nên, những công trình thuỷ lợi phục vụ tăng gia sản xuất, những trường học mới... đều gắn liền với những đóng góp công lao của ngành Xây dựng Quảng Bình lúc bấy giờ.

Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Xây dựng Quảng Bình có những bước phát triển mới về tổ chức. Cuối năm 1955, Ty Giao thông Công chính Quảng Bình được tách thành Ty Giao thông Vận tải và Ty Thuỷ lợi Kiến trúc. Giữa năm 1958, Uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra quyết định thành lập Ty Kiến trúc Quảng Bình, tách ra từ Ty Thuỷ lợi Kiến trúc.

Thời điểm đó, ngành Kiến trúc Quảng Bình đã nhanh chóng xây dựng và thiết kế quy hoạch thị xã Đồng Hới, tổ chức lực lượng thi công, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD)… Khi ấy, nhiều công trình ghi dấu ấn của ngành Kiến trúc Quảng Bình sau ngày giải phóng như: Trụ sở Tỉnh ủy, Trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh, Hội trường của tỉnh, mở rộng hệ thống cấp nước thị xã Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trường phổ thông cấp 3 Đồng Hới… Trong giai đoạn đó, ngành Xây dựng Quảng Bình cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) mặc dù chỉ thực hiện được 4 năm (1961-1964) nhưng ngành Kiến trúc Quảng Bình đã có bước phát triển vượt bậc. Lực lượng toàn Ngành tính đến cuối năm 1964 lên đến gần 700 người.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965-1975), Ty Kiến trúc Quảng Bình đã tổ chức lực lượng vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng của Ngành đã tham gia thiết kế, thi công xây dựng hàng chục xí nghiệp, công trình. Hàng triệu khối đá do cán bộ, công nhân ngành Xây dựng khai thác đã được chuyển đến các công trình để lấp sông, mở ngầm, xây bến đảm bảo cho mạch máu giao thông qua “đất lửa Quảng Bình” và vận tải phục vụ chi viện các chiến trường, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi vẻ vang.

Một góc TP Đồng Hới (Ảnh: Nguyễn Tiến Luyến).

Kiến thiết và xây dựng

Chiến tranh kết thúc, toàn ngành Xây dựng Quảng Bình phát huy truyền thống dũng cảm kiên cường, lao động sáng tạo, nỗ lực khôi phục lại những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Các công trình trọng điểm nhanh chóng được triển khai xây dựng như, công trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba… Song song với đó, ngành cũng đã tham mưu để UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng mời Viện Quy hoạch Cu Ba giúp đỡ lập quy hoạch thị xã Đồng Hới để tiến hành xây dựng lại thị xã. Đồng thời, các cơ sở ra sức sản xuất VLXD vừa khôi phục, vừa ra sức sản xuất. Tính đến cuối năm 1974 lực lượng cán bộ, công nhân viên toàn ngành lên đến 2.900 người.

Đất nước thống nhất, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Trải qua 13 năm, đoàn kết gắn bó thuỷ chung “Bình Trị Thiên ruột thịt”, ngành Xây dựng Quảng Bình vô cùng tự hào khi đã đóng góp cho ngành Xây dựng Bình Trị Thiên một lực lượng lớn từ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân xây dựng. Chẳng thế mà, thời điểm đó, công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế, quản lý nhà đất, quản lý đô thị ngày càng có nhiều chuyển biến.

Dấu mốc đáng nhớ nữa của ngành Xây dựng Quảng Bình đó là vào ngày 01/7/1989, 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chính thức được tái lập lại theo địa giới hành chính cũ của mỗi tỉnh. Việc tái lập tỉnh Quảng Bình đã mở ra một giai đoạn phát triển mới.

Xác định nhiệm vụ cấp bách và khó khăn trước mắt khi mới chia tách tỉnh, ngành Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã tham mưu hoàn thành nhiều nhiệm quy hoạch quan trọng. Chỉ sau 5 năm Đồng Hới đã có bộ mặt của một đô thị hiện đại, khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh thực hiện các đồ án quy hoạch, ngành đã ra sức phát triển lĩnh vực sản xuất VLXD; củng cố, nâng cao năng lực các đơn vị tư vấn - thiết kế, thi công xây lắp và tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, đưa dần các công tác này đi vào nề nếp. Nhiều nhà máy sản xuất VLXD được cải tiến, nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới.

Thành tựu đáng trân trọng

Gần 30 năm tái lập tỉnh, ngành Xây dựng Quảng Bình đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết vượt khó, Ngành đã góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững với tốc độ tăng GRDP bình quân trên 6,5% (ngang mức bình quân chung cả nước). Trong khi đó, tỷ lệ công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế ngày càng tăng, đạt 27%; tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30% trên toàn tỉnh, tạo nên 1 diện mạo mới cho quê hương Quảng Bình.

Ngành cũng đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp; kết cấu hạ tầng giao thông; công sở; thị trường bất động sản; VLXD. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn để lập các quy hoạch trọng điểm, quan trọng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quy hoạch đi trước một bước và có tầm nhìn dài hạn. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 65% trên diện tích quy hoạch chung. 100% số xã ở nông thôn đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng và trung tâm xã. Mặt khác, công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch được thực hiện nghiêm túc nhờ đó bộ mặt kiến trúc của các đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn có những bước phát triển vượt bậc. Tính đến năm 2018 tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30% với 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Ngoài ra, hoạt động đầu tư xây dựng đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ sự tham mưu và vào cuộc quyết liệt của Sở Xây dựng Quảng Bình. Nhờ đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản mỗi giai đoạn 5 năm tăng gấp đôi, đến năm 2017 đạt xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, từ năm 2009 đến nay Sở Xây dựng Quảng Bình đã tham mưu triển khai hỗ trợ được cho gần 15 nghìn hộ người có công, 11 nghìn hộ nghèo về nhà ở. Về cơ bản tỉnh Quảng Bình đã hết nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá. Đến nay, Sở Xây dựng đã cùng các ngành và địa phương triển khai được khoảng 300ha các dự án nhà ở thương mại, đóng góp hằng năm bình quân khoảng 500 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Mặt khác, ngành đã tham mưu để phát triển thế mạnh của tỉnh trong phát triển sản xuất VLXD. Các loại VLXD chính của tỉnh đạt bình quân hằng năm đều tăng trưởng ổn định. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã loại bỏ hoàn toàn lò nung gạch ngói thủ, chuyển đổi sang dùng gạch không nung đạt mục tiêu, kế hoạch của chính phủ.

Đạt được những thành quả trên là nhờ ngành Xây dựng Quảng Bình đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân xây dựng đông đảo, lành nghề với gần 30 nghìn người lao động, 1 nghìn kỹ sư, kiến trúc sư. Tính riêng Sở Xây dựng Quảng Bình và các đơn vị trực thuộc có 30 thạc sĩ, 1 tiến sỹ.

Có thể nói, công tác quản lý ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có những chuyển biến tích cực, ngày càng minh bạch, hiệu quả theo hướng sắp xếp, quản lý bộ máy làm việc khoa học, thông thoáng. Nhờ đó, các hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn triển khai tương đối thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kính tế - xã hội của địa phương ngày một phát triển. Những thành tựu trên cũng thêm phần khẳng định chặng đường 60 năm vượt khó đầy tự hào của ngành Xây dựng Quảng Bình đáng trân quý đến nhường nào.

Ngành Xây dựng Quảng Bình từng được Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Độc lập hạng Ba, 3 Huân chương Lao động hạng Nhất, 4 Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể; 5 Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân; Bằng khen của Chính phủ cho 3 tập thể và 11 cá nhân; 2 năm được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Tác giả: Lê Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP