Cuộc sống

“Nếu hôn nhân là gánh nặng, hãy buông mà về với mẹ nghe con”

Hôm qua mẹ ra nhà bà Tư thăm hỏi. Con gái bà ấy vừa mất. Nó chết bằng cách tự tử bằng rất nhiều thuốc ngủ trong khi đứa con mới chưa đầy hai tháng. Chuyện đáng buồn quá phải không con?

Lâu rồi, mẹ gặp bà Tư, bà Tư bảo con gái sắp sinh con đầu lòng, nó gọi điện xin bà được về nhà sinh nở. Bà Tư vốn nghĩ, con gái lấy chồng thì nên sinh đẻ ở nhà chồng, có gì thì đến ngày đó bà ra chăm nom. Rồi hôm con gái sinh thì đúng đợt chồng ốm, vậy là bà chưa đi được. Rồi lại cuối năm, chuyện đồng áng phải lo làm cho kịp thời vụ, rồi thì sắp sửa tết nhất đến nơi. Mấy lần gọi điện con gái bà đều nói nó ổn, mẹ cứ ở nhà lo cho bố. Ai ngờ…

Con gái bà Tư bằng tuổi con, cũng lấy chồng xa như con. Vì xa nên mọi chuyện cũng chỉ hỏi han qua điện thoại, còn những lần nó về thăm nhà thì hiếm hoi. Thi thoảng nó gọi điện về, giọng buồn buồn. Bà tư Nghĩ, ai cũng có những nỗi lo, vợ chồng giận dỗi hục hặc nhau cũng là chuyện thường.

Vài hôm trước, bà Tư nhận được điện thoại bên thông gia báo con gái bà mất rồi. Bà nhận điện thoại như sét đánh ngang tai. Mấy hôm trước nó còn gọi điện về, nói nhớ nhà, nhớ mẹ. Sao nó lại dại dột nghĩ quẩn đến thế khi con còn đỏ hỏn thế kia. Bà Tư ngất lên ngất xuống hai ngày nay, cứ tỉnh thì lại gào khóc.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mẹ không biết vì sao con bé lại đến nông nỗi thế. Nhiều người nói chắc nó bị trầm cảm sau sinh chứ chẳng có người mẹ nào lại nỡ bỏ con mình mà đi như thế. Hình như thời đại bây giờ nhiều phụ nữ mắc căn bệnh đó. Mẹ không hiểu lắm trầm cảm sau sinh là gì.

Thời ông bà xưa, chồng đi bộ đội, mỗi chuyến thăm nhà ngắn ngủi là một cái thai tượng hình. Phụ nữ ngày đó vừa lo việc nước vừa lo việc nhà, một mình nuôi chín mười đứa con, gánh nặng oằn vai, khổ sở cơ hàn mà vẫn chịu được. Mẹ sinh bốn đứa con, bố con công tác xa nhà, một mình mẹ xoay xở hết. Con chưa đầy tháng đã lần mò ra ruộng, chẳng biết kiêng cữ là gì. Con ốm con đau cũng một mình ôm con nhờ người nọ người kia chở đi viện. Rồi bốn đứa cũng lớn khôn thành người cả. Mà phụ nữ thời trước đâu có bao giờ có khái niệm bình đẳng, đâu bao giờ nghĩ đến đòi hỏi được sẻ chia từ nhà chồng và gia đình chồng.

Có lẽ ngày trước người ta sống đơn giản hơn, suy nghĩ cũng đơn giản hơn. Thời đại bây giờ, cuộc sống bon chen và áp lực hơn nên người ta dễ sinh ra những căn bệnh tâm lý tiêu cực như vậy chăng? Hay là thế nào, con nhỉ?

Lúc nhìn bà Tư khóc, không hiểu sao mẹ nhớ con nhiều lắm. Ngày con yêu xa mẹ cũng ra sức cản ngăn. Nhà có mỗi cô con gái, mẹ mong con lấy chồng gần, chẳng phải để mong "có bát canh cần nó cũng đưa cho" mà là lúc mẹ ốm con đau dễ bề qua lại thăm nom chăm sóc.

Con lấy chồng xa gần nửa nghìn cây số, năm con về một hai lần, có tết con không về vì bận bịu lo tết nhà chồng. Lúc nào con cũng nói "cuộc sống của con tốt lắm, mẹ đừng lo gì cả". Con nói vậy thì mẹ biết vậy, chứ sao mà mẹ không lo. Làm vợ, làm dâu thời nào cũng khó.

Mỗi lần con về, mẹ luôn dặn dò con sống ở nhà chồng phải biết nhìn trước ngó sau, ăn nói giữ gìn ý tứ. Bố mẹ chồng khó thì lựa điều mà sống, chồng khó thì chịu khó nhẫn nhịn cho êm cửa êm nhà. Vợ chồng lúc giận dỗi mà chồng ném cái phích, vợ ném cái mâm là hỏng, mình là đàn bà, phải biết chịu đựng, trước là yên thân, sau là vì con cái.

Lúc nào mẹ cũng sợ tính con ương bướng làm phật lòng người ta. Lúc nào mẹ cũng lo con không biết nhường nhịn, chiều chuộng chồng rồi vợ chồng mâu thuẫn, ẩu đả. Mẹ thường nói với con, phụ nữ mà không biết cách chăm lo vun vén xây dựng gia đình là một người phụ nữ thất bại. Nhưng hôm nay, mẹ hoang mang tự hỏi, những điều mẹ dạy con liệu có hoàn toàn đúng hay không?

Con lấy chồng xa, không có gia đình, họ hàng thân thích gần bên, chỉ có chồng và gia đình chồng. Mỗi lúc buồn tủi chắc khó kiếm người sẻ chia. Những lúc chồng vợ bất đồng chắc không có người ủi an khuyên giải. Và cả những lúc con sẽ gặp những nỗi khổ đến chồng mình cũng chưa chắc đã có thể đồng cảm. Biết đâu, có những lúc con cô độc ngay ở trong nhà chồng. Con chỉ biết giấu nỗi buồn vào tim, chịu đựng một mình, vượt qua một mình. Chỉ cần nghĩ như vậy thôi là mẹ thấy tim mình quặn thắt.

Là mẹ, mẹ luôn mong con của mình được ấm êm đủ đầy. Nhưng biết đâu có lúc nào đó cuộc sống của con thôi ấm êm, người ta đối với con quá khắc nghiệt, chồng con đối với con vô tâm vô tình… Nếu một ngày nào đó con cảm thấy gia đình không còn là mái ấm, hôn nhân chỉ là gánh nặng, và sống chung chỉ để chịu đựng nhau thì hãy mạnh mẽ buông bỏ mà về bên mẹ con nhé.

Đừng bao giờ để bản thân mình phải chịu đựng quá lâu để đến mức trầm cảm. Trước khi mong chờ người khác thương mình, chính mình hãy thương bản thân mình trước đã. Con có biết không, khi một người phụ nữ vì khổ quá mà lựa chọn con đường cùng, chồng họ có buồn, có ăn năn thương nhớ thì cũng chỉ không quá 49 ngày đâu, rồi họ sẽ lại tìm cho mình một người đàn bà khác. Chỉ có con cái là thiệt thòi bơ vơ, chỉ có cha mẹ mình là héo hon sầu não.

Vậy nên, con gái nghe lời mẹ dặn: Không có gì tuyệt vời bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nhưng nếu hôn nhân không hạnh phúc thì ly hôn cũng không phải là điều tồi tệ nhất. Đôi khi chúng ta kết thúc một mối quan hệ là để một mối quan hệ khác có cơ hội bắt đầu. Nếu buồn khổ, con hãy cứ về bên mẹ. Dù con đi xa cỡ nào, chỉ cần con trở về, mái nhà này luôn có chỗ cho con.

Tác giả: Hoàng Ngân

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP