Thể thao

Mourinho đang “hoang phí” tiền của MU

Mourinho từng ghen tỵ với Pep Guardiola về việc được chi nhiều tiền chuyển nhượng. Dù vậy, thực tế cho thấy ông lại không thể tận dụng nguồn lực đang có tay, khiến tiền của MU đang bị hoang phí.

Vấn đề không nằm ở tiền

Mourinho đã ghen tỵ với Pep Guardiola về việc được chi nhiều tiền chuyển nhượng. Nhưng lý do ấy không được nhiều người chấp nhận. Kể từ khi tới dẫn dắt MU, “Người đặc biệt” đã chi tới gần 300 triệu bảng để tăng cường lực lượng.

Nhiều bản hợp đồng của Mourinho không cho thấy được sự hiệu quả

Vấn đề ở chỗ, phần lớn gương mặt mà ông mang về đều không gây được ấn tượng như trước khi tới MU. Chỉ có hai bản hợp đồng tốt là Matic và Eric Bailly. Còn lại, những bản hợp đồng được kỳ vọng như Pogba, Lukaku, Mkhitaryan, Lindelof đều không thể bật lên. Thậm chí, họ còn trở thành “bom xịt” và có khả năng ra đi.

Xưa nay, HLV Mourinho được xem là người cực đoan bảo vệ triết lý của mình. Ông chiêu mộ các ngôi sao để phục vụ chiến thuật của mình và đồng thời họ buộc phải thích nghi với điều đó. Nhưng tất nhiên, không phải ai cũng thành công.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Pep Guardiola. Ông thày người Tây Ban Nha luôn tìm cách khai thác tối đa tiềm năng của các cầu thủ. Thưở ở Bayern Munich, ông đã đưa ra phát kiến lạ lùng, đó là đưa Lahm, Alaba đá tiền vệ trung tâm (và thành công). Sang Man City, ông vẫn duy trì điều đó.

Chẳng ai ngờ được Fabian Delph, người vốn quen đá tiền vệ trung tâm, lại thành công tới vậy ở vị trí hậu vệ trái. Từ phương án đóng thế, Fabian Delph đang đe dọa trực tiếp vị trí của Mendy, khi cầu thủ này bình phục chấn thương.

John Stones, gương mặt thất vọng của Man City mùa trước, đã thi đấu cực kỳ ổn định ở mùa này. Sterling, người luôn bị nghi ngờ, đang trải qua mùa giải tốt nhất trong sự nghiệp.

Triết lý tấn công, dựa theo sự kiểm soát của Pep Guardiola có thể không thay đổi nhưng sơ đồ chiến thuật thì luôn thay đổi. Nhờ đó, ông có thể phát huy đầy đủ tố chất của các cầu thủ, dù trước đó họ là những “kẻ bỏ đi”.

Nhìn sang MU, HLV Mourinho gần như “bỏ qua” những người thừa thãi. Luke Shaw từng “cắn răng” chịu đựng trên băng ghế huấn luyện. Mkhitaryan ngay lập tức bị ruồng rẫy sau chuỗi trận đáng thất vọng. Đó là hai trường hợp tiêu biểu của sự “đối xử” cực đoan từ Mourinho. Những người không hợp với “Người đặc biệt” sẽ bị loại bỏ, ruồng rẫy một cách phũ phàng. Điều này xảy ra không ít lần trong quá khứ.

Không chỉ Pep Guardiola, cựu HLV MU, Sir Alex Ferguson cũng nổi tiếng là biết tận dụng triệt để tài năng của các học trò. Bởi lẽ đó, ngay cả khi sở hữu đội hình với chất lượng không cao, ông vẫn có thể lên ngôi ở Premier League mùa 2012/13. Sau khi “ông già gân” nghỉ hưu, David Moyes đã… lĩnh hậu quả khi tiếp nhận đội hình này.

Đúng là Pep Guardiola chi nhiều tiền nhất Premier League. Dù vậy, trong hai mùa đã qua, ông thày người Tây Ban Nha cũng chỉ chi tiêu hơn Mourinho 75 triệu bảng. Hiệu quả thì ngược lại. Trong khi Pep Guardiola đã xây dựng Man City rực rỡ ở mùa giải thứ 2 thì MU của Mourinho vẫn đang chật vật tìm con đường đi.

Mourinho và canh bạc chiêu trò tâm lý

Không ít cầu thủ như Materazzi, Ibrahimovic… từng công khai tuyên bố nguyện chết vì Mourinho. Dù vậy, không phải ai cũng hợp với sự cực đoan từ “Người đặc biệt”. Hay nói cách khác, sự đối xử với học trò của Mourinho hoàn toàn có thể gây tác dụng ngược.

Sự đối xử cực đoan của HLV Mourinho với các học trò có nguy cơ tạo ra mầm mống nổi loạn

Ở mùa giải thứ 3 tại Real Madrid cũng như Chelsea, HLV Mourinho đều mất kiểm soát trong phòng thay đồ. Thậm chí, theo ngôn từ của báo giới, không ít lần “Người đặc biệt” đã bị các học trò “phản lại” bằng việc thi đấu tệ hại trên sân.

Kịch bản đó hoàn toàn có thể lặp lại ở MU. Không dưới một lần trong mùa giải này, HLV người Bồ Đào Nha đã bêu tên học trò chơi tệ trên mặt báo, thay vì bảo vệ. Điều đó đã nảy sinh tâm lý ức chế, sợ sệt. Một trong những ví dụ là Mkhitaryan. Cầu thủ này đã xuống phong độ trầm trọng sau khi bị “Người đặc biệt” chỉ trích trên mặt báo.

Mặc dù phòng thay đồ của MU chưa “loạn” như Real Madrid hay Chelsea nhưng không hẳn nó bình yên. Bình luận trên truyền hình, Martin Keown nhận xét: “Tôi nghĩ rằng Mourinho đang mất kiểm soát, ông ấy đánh mất cầu thủ của mình. Tôi không nhận thấy tính chiến đấu từ các cầu thủ. Họ không còn hòa hợp như giai đoạn đầu mùa”.

Lý do này không thể bao biện bởi nó thể hiện rõ nét ngay trên sân. Paul Scholes từng nhận xét: “Nhìn MU thi đấu thật uể oải. Họ đá cứ như thể ra sân 50,60 trận mùa này. Không khí trên sân quá nhạt nhẽo”.

Suy cho cùng, mọi cuộc lật đổ đều bắt đầu từ “mầm mống” nhỏ rồi dẫn tới mất kiểm soát. Chẳng ai muốn điều đó xảy ra ở MU nhưng nếu HLV Mourinho không thể hướng mọi thứ vào ổn định, nó hoàn toàn có thể xảy ra.

Mourinho đang đứng trước mùa giải thứ 3 không thể giành chức vô địch quốc gia (Chelsea và 2 mùa ở MU). Đó là điều chưa từng có trong sự nghiệp của “Người đặc biệt”. Câu hỏi đặt ra liệu chăng Mourinho không còn “nguy hiểm” như trước?

Tác giả: H.Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Premier League , man utd , Mourinho

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP