Du lịch

Mâm cơm hóa vàng mùng 3 Tết độc đáo của người Tày vùngTây Bắc

Ngày mùng 3 Tết nhiều gia đình thường thực hiện lễ hóa vàng với ý nghĩa tiễn đưa ông bà, tổ tiên sau những ngày Tết. Những gia đình người dân tộc Tày ở vùng cao Tây Bắc cũng không ngoại lệ...

Sau 3 ngày Tết, các gia đình thường làm lễ hóa vàng. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà có thể bố trí hóa vàng vào buổi sáng, trưa hoặc tối. Bà con dân tộc Tày, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng rất coi trọng ngày lễ hóa vàng. Trong ngày này, các con cháu thường quây quần bên nhau, cùng nhau làm mâm cơm cúng gia tiên, hóa vàng, hạ lễ.

Mâm cơm hóa vàng ngày mùng 3 Tết của một gia đình người Tày huyện Lục Yên.

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Hoàng Văn Đỗ (xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Hàng năm, cứ sau 3 ngày Tết là chúng tôi thường làm mâm cơm coi như để cảm ơn, tạm biệt ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất đã về ăn Tết cùng con cháu. Vì thế, ngay từ sáng sớm là cả nhà giúp nhau làm mâm cơm cúng”.

Theo lời anh Đỗ, mâm cơm cúng hóa vàng ngày mùng 3 Tết bao gồm: Thịt gà luộc, thịt lợn nướng, thịt lợn rang, một đĩa xôi hoặc một bát cơm, một đĩa rau, một chai rượu...

Chuẩn bị 5 bát con, 5 đôi đũa và 5 chiếc ly để rót rượu mời tổ tiên.

“Tùy vào điều kiện các gia đình mà có các món ăn bày biện khác nhau, nhưng thường là những món mà tôi vừa kể trên”, anh Đỗ cho biết.

Thêm vào đó là một chiếc đèn dầu được thắp.

Mâm cỗ hóa vàng của bà con dân tộc Tày ở vùng Tây Bắc này thường được làm thành 3 mâm, hai mâm dâng lên ông bà tổ tiên, còn một mâm dâng lên thần linh, thổ địa.

Hai mâm cơm hóa vàng được đặt trước bàn thờ gia tiên.

“Điểm đặc biệt trong buổi lễ hóa vàng của dân tộc chúng tôi là người lớn tuổi nhất trong gia đình, ăn mặc chỉnh tề sẽ đại diện ngồi trước ban thờ gia tiên khấn, nói lời cảm ơn các cụ đã về ăn Tết cùng gia đình. Mâm cỗ hóa vàng thường phải thắp 3 tuần hương mới được hạ lễ và đem vàng mã đã cúng trong ba ngày Tết để hóa”, anh Đỗ cho biết thêm.

Người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ đại diện khấn ông bà tổ tiên.

Cũng chia sẻ thêm với PV, chị Nguyễn Thị Hà (cán bộ văn hóa xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Trong lễ hóa vàng, người lớn nhất trong nhà sẽ thay mặt khấn tổ tiên bằng tiếng dân tộc. Đây cũng được coi là phong tục truyền thống của các gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về”.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP