Trong nước

'Lãnh đạo tỉnh dự lễ khởi công được, sao không đi đối thoại với dân'

Các vụ dân kiện quyết định của chủ tịch UBND diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng không ít nơi lãnh đạo "né" tham gia đối thoại.

Ngày 22/8, tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Thường trực cơ quan này cho hay, qua giám sát Ủy ban nhận thấy từ năm 2015 đến 2017, cả nước có hơn 11.000 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND bị khiếu kiện đến toà án; lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm 90% số vụ.

Xu hướng đáng lo ngại là lãnh đạo UBND nhiều nơi không tham gia đối thoại, xét xử trong các vụ án hành chính liên quan ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015 là 10% số vụ, năm 2016 là 21% và đến năm 2017 tăng lên 31%.

"Có địa phương, chủ tịch thường xuyên uỷ quyền cho cấp phó tham gia. Nhưng cấp phó lại không tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên toà nào. Nhiều chủ tịch và cấp phó khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Toà án, đã gửi văn bản đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng. Lý do vắng mặt đều do bận công tác”, bà Thủy cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: QH

Dẫn chứng cụ thể, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho hay, trong ba năm gần đây, TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa vụ án nào chủ tịch, phó chủ tịch thành phố tham gia tố tụng; năm 2017, TP HCM có 260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do chủ tịch, phó chủ tịch vắng mặt.

Nhiều địa phương có lãnh đạo vắng tất cả hoặc hầu hết các vụ kiện hành chính như Hải Phòng (17/17 vụ), Bắc Giang (53/56 vụ), Kiên Giang (10/22)...

“Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các vụ án hành chính, người khởi kiện đều mong muốn được trực tiếp đối thoại với chủ tịch UBND hoặc ngươi đại diện. Nhưng lãnh đạo địa phương không tham gia đối thoại, gây bức xúc cho người dân”, bà Thuỷ nói.

Liên quan các vụ khiếu kiện, hiện còn 36 bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành nhưng chưa được chủ tịch và UBND các địa phương thi hành. Thậm chí có bản án hiệu lực từ 2011 nhưng chưa được thi hành, do lãnh đạo địa phương không đồng tình và cho biết sẽ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

“Điều này không phù hợp với điều 23, Luật Tố tụng hành chính”, bà Thuỷ nêu rõ. Cụ thể, theo điều 23 thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; các bên liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Cũng theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp, chưa có trường hợp nào chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án.

"Dự khởi công, động thổ nhưng không đối thoại với dân"?

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình xác nhận, trong tất cả các loại án, tồn đọng án hành chính lớn nhất, tỷ lệ sửa cao.

Ông Bình chia sẻ với chủ tịch, phó chủ tịch các địa phương khi không tham gia xét xử các vụ án hành chính và lấy dẫn chứng, một năm ở TP Hà Nội và TP HCM có khoảng 2.000 vụ án hành chính, "mỗi ngày 3 vụ, thì phải có 3 chủ tịch hoặc phó chủ tịch ra toà, như vậy sẽ không đủ người".

Theo ông Bình, chính vì đại diện chính quyền không tham gia quá trình tố tụng đã dẫn đến thi hành án hành chính khó khăn, "khi Toà tuyên thua thì thì mới giật mình, kháng nghị". Từ các phân tích trên, ông Bình đề nghị xem xét tính hợp lý của quy định buộc chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND phải tham gia án hành chính (điều 60, Luật Tố tụng hành chính).

Tuy nhiên, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt lại vấn đề, nếu cho rằng chủ tịch một số địa phương không có thời gian tham gia quá trình thụ lý án hành chính, "vậy tại sao nhiều địa phương khác vẫn thực hiện tốt?".

“Tôi thấy có nhiều chủ tịch, phó chủ tịch UBND đi dự khởi công, động thổ, dự hội nghị ngành nọ, ngành kia..., nhưng trong hàng trăm vụ án hành chính lại không tham gia đối thoại với dân được một vài vụ”, bà Nga nói.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Ảnh: QH

"Công chức đi học nhiều sao vẫn ban hành quyết định sai"?

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thẳng thắn nhận xét, kết quả giám sát nêu trên cho thấy bức tranh của nền hành chính có nhiều nơi yếu kém, tuỳ tiện, gây bức xúc cho xã hội.

“Lãnh đạo địa phương ban hành quyết định hành chính trái luật, bị dân kiện ra toà thì không đối thoại, không tham gia, không thi hành án. Đây là sự coi thường, bất chấp pháp luật”, ông Cương nói.

Ngoài ra, ông Cường nêu vấn đề, "lâu nay công chức đi học rất nhiều, bằng tiến sỹ, thạc sỹ...; có nơi 40% cán bộ, công chức đi học nhưng vì sao ban hành nhiều quyết định hành chính sai như vậy?”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại. Ảnh: VT.

Đồng tình với ý kiến của ông Cương, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ cho rằng nếu Chính phủ không chấn chỉnh, thực trạng về án hành chính sẽ khó thay đổi. Ông đề xuất, Quốc hội bố trí ngân sách để Toà án không phụ thuộc cơ quan hành chính địa phương.

Đại biểu Vũ Trọng Kim kể câu chuyện về trường hợp người dân đi kiện đã bị chủ tịch UBND thách thức rằng "địa phương không giải quyết thì cứ lên trung ương". Theo ông Kim, cần giữ điều 60, Luật Tố tụng hành chính vì "đây là bước tiến dân chủ".

Bà Lê Thị Nga khẳng định theo đuổi đến cùng để xin phép Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa báo cáo giám sát này ra Quốc hội. Cùng với đó, Uỷ ban Tư pháp sẽ có văn bản gửi Thủ tướng, phản ánh thực trạng chủ tịch UBND địa phương nào không đối thoại với dân.

Tác giả: Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP