Du lịch

Lần đầu Đà Lạt có sân khấu du lịch, Thừa Thiên - Huế mở casino

Đà Lạt, TP HCM và Thừa Thiên Huế đang bổ sung nhiều dịch vụ mới nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Dưới đây là những sản phẩm du lịch mới đã và sắp đưa vào phục vụ du khách.

Đà Lạt có thêm điểm giải trí đêm

"Đà Lạt - đêm huyền diệu" là chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch đầu tiên ở thành phố ngàn hoa, khai mạc vào tối 2/6, tại rạp hát 3/4 (rạp hát Hoà Bình, Đà Lạt). Dự kiến, mỗi tuần sẽ có hai đêm diễn vào thứ 7 và chủ nhật, trùng với hai ngày hoạt động phố đi bộ của Đà Lạt.

Du khách thường đổ ra chợ Đà Lạt vào buổi tối. Ảnh: Thanh Trúc.

Trên sân khấu, các loại hình nghệ thuật như kịch nói, âm nhạc, hài, múa, xiếc… sẽ được dàn dựng nhằm tái hiện không gian Đà Lạt xưa với những câu chuyện tình yêu ngọt ngào, sâu lắng; những giai thoại mang tính liêu trai. Dẫn chương trình là MPK Phước "khùng", một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Đà Lạt.

Hiện nhà đầu tư đã liên kết với 4 hãng lữ hành lớn trong nước để đưa khách đến với chương trình.

Đà Lạt mỗi năm đón trên 6 triệu du khách, nhưng ngoài dịch vụ tham quan, ăn uống, thành phố thiếu điểm giải trí ban đêm. Sân khấu du lịch này đang được chính quyền địa phương coi là một sản phẩm mới của du lịch Đà Lạt.

Huế mở casino

Trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Singapore 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy phép kinh doanh casino cho ông Ho Kwon Ping - Chủ tịch cấp cao tập đoàn Banyan Tree Holdings.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép khu nghỉ dưỡng trên kinh doanh dịch vụ casino.

Giai đoạn hai của khu tổ hợp này sẽ kéo dài từ 2018 đến 2022.

Đây là giấy phép kinh doanh casino đầu tiên được cấp bởi chính phủ trong 10 năm trở lại đây, mở ra giai đoạn hai trong quá trình phát triển khu tổ hợp cao cấp tại Lăng Cô. Từ 875 triệu USD, tổng vốn đầu tư của khu tổ hợp cũng được điều chỉnh lên đến 2 tỷ USD với trung tâm giải trí vận hành casino.

Du lịch y tế ở TP HCM

Sở Du lịch và Sở Y tế TP HCM vừa công bố Cẩm nang Du lịch Y tế TP HCM. Khoảng 10.000 cuốn cẩm nang này được in dưới dạng song ngữ Anh - Việt với thông tin cơ bản về hệ thống du lịch y tế tại thành phố. Du khách sẽ được cung cấp thông tin về phương pháp điều trị, thời gian làm việc, hình ảnh, địa chỉ và bản đồ các cơ sở khám, điều trị.

Ngoài ra, cẩm nang còn giới thiệu các thông tin, hình ảnh, địa chỉ của một số điểm tham quan, nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, điểm mua sắm, ăn uống tại thành phố.

Cuốn cẩm nang được in song ngữ. Ảnh: Đảng cộng sản.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, khoảng 80.000 lượt khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh trong năm qua, doanh thu khoảng 2 tỷ USD. Riêng thành phố đón khoảng 30.000 - 40.000 lượt khách tới khám chữa bệnh với doanh thu khoảng 1 tỷ USD.

Thời gian đầu, sẽ có 14 cơ sở tham gia phục vụ sản phẩm du lịch y tế như Viện Tim, bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Răng Hàm Mặt, bệnh viện Tai Mũi Họng, bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện Y dược học dân tộc, bệnh viện Vinmec Central Park…

Tác giả: Quốc Dũng - Vy An

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP