Giáo dục

Kỳ Sơn: Gian nan gieo chữ nơi rẻo cao biên giới

Với các huyện vùng cao, ngoài chuẩn bị trường lớp đón chào năm học mới, các thầy cô giáo còn phải vào tận các bản, đến từng nhà dân để vận động các em học sinh đến trường. Tuy nhiên, con đường đưa cái chữ đến với bản làng còn lắm gian nan.

Con đường đất càng thêm trơn trượt sau những cơn mưa vừa qua. Thế nhưng các thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Bảo Nam vẫn phải đi đến từng gia đình để vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường.
images1311381 kyson4
Thầy cô giáo vượt đường sá trắc trở vận động học sinh tới trường

Nhà Xeo Thị Ngọc ở bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam. Năm nay lên lớp 9 nhưng Ngọc có nguy cơ phải nghỉ học. Gia đình em là một trong những hộ nghèo nhất bản.

Em Xeo Thị Ngọc cho biết: Vì nhà của em thì khó khăn, em phải giúp cha mẹ làm rẫy, và giúp cha mẹ làm việc nhà nên có khi phải nghỉ học.

Cách trung tậm huyện hơn 20 km, Bảo Nam là một trong những xã nghèo và khó khăn nhất huyện biên giới Kỳ Sơn. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, phần lớn đồng bào dân tộc Khơ Mú sống rải rác bên các triền núi, cách trường hàng chục km đường. Các thầy cô giáo phải mất cả ngày đường mới đi bộ tới nơi để vận động các em trở lại trường. Nhưng không phải lúc nào công tác “dân vận” của các giáo viên cũng đem lại hiệu quả.

images1311383 kyson3
Em bé dân tộc ngồi thẫn thờ bên bếp lửa vì ngày mai không biết có được tới trường hay không

Cô Phạm Thị Vân Hường - Tổ trưởng tổ vận động học sinh, Trường PTDTBT THCS Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Cái sự đi lại để vận động thì cái đường xá rất là khó khăn, cái nữa là giờ mình vô vận động thì chỉ gặp các em nhỏ ở nhà, mà ta biết là bố mẹ không cho đi học thì các em cũng không dám đến lớp, mà dừ vào mùa rẫy thì bố mẹ cũng đi rẫy hết, vào vận động thì hôm nay vào, mai có khi lại vào cả tuần, không gặp được bố mẹ thì rất là khó khăn trong việc vận động cho học sinh đến lớp, mình hỏi thì học sinh nói có đến, mai mốt lên hỏi thì bố mẹ không cho đi, gặp bố mẹ thì rất là khó khăn. Tổ vận động cũng có rất nhiều biện pháp nhưng cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Những năm gần đây, Trường PTDTBT THCS Bảo Nam thường xuyên có học sinh bỏ học, nhất là sau các kỳ nghỉ hè và nghỉ tết. Bình quân từ 25 đến 30 em trong 1 năm học. Đầu năm học 2015 – 2016, toàn trường có 275 học sinh, về cuối năm chỉ còn 245 em theo học.

images1311384 kyson6
Thầy trò cùng sửa sang bàn ghế cho năm học mới

Nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bỏ đi làm ăn xa, một số ít lấy chồng, sinh con, cũng có trường hợp học lực quá yếu nên bỏ học vì không theo kịp bạn bè.

Theo thầy Bùi Văn Thuận - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bảo Nam: Trong những năm qua nhà trường rất quan tâm đến việc duy trì sĩ số học sinh, vận động các em đến trường, thì các năm trở lại đây tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng là cũng có giảm, trong cái giảm này cũng có nhiều cái nguyện nhân, thứ nhất là các em ở trong độ tuổi lao động của gia đình, rồi bố mẹ đi làm rẫy, em nhỏ ở nhà không ai trông, 2 nữa là một số kẻ xấu lôi cuốn các em bỏ học đi làm công ty, rồi công tác đầu năm thường mới đến ôn tập rồi vệ sinh cho nên các em cũng đang e ngại cho nên đầu năm học các em thường không tập trung đầy đủ.

images1311385 kyson8
Con đường đưa cái chữ nơi rẻo cao biên giới...
images1311386 kyson7
...Còn lắm chông gai

Tình trạng học sinh bỏ học, hay vắng học vào đầu năm học mới ở các xã vùng sâu, vùng xa của Kỳ Sơn nói riêng và các huyện vùng cao vẫn diễn ra thường xuyên, làm cho chất lượng dạy và học gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy mà bên cạnh những thiếu thốn về trường lớp, điều kiện sinh hoạt và giảng dạy thì việc vận động các em quay lại trường học nhằm đảm bảo sĩ số cho năm học mới luôn là nỗi lo, sự trăn trở của ngành giáo dục Kỳ Sơn trước thềm năm học mới.

Tác giả bài viết: Lữ Phú

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP