Tin địa phương

Kỳ lạ: 21 năm tình nguyện canh mộ và tắm nước hoa cho cá voi

Nhiều người cho rằng, bà Mai bị “gàn dở” nhưng chẳng ai hiểu được lý do vì sao người phụ nữ này lại bỏ công sức để chăm sóc những ngôi mộ cá voi 21 năm qua. Không những thế, mỗi khi có cá voi lụy (dạt) vào bờ, bà lại nấu nước hoa, khâm liệm cho cá và đặt tên cho ngôi mộ.

Người phụ nữ 21 năm canh mộ cá

Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về làng biển Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi có 1 khu mộ bề thế được người dân xây dựng cho cá voi rất cung kính. Điều đặc biệt là có 1 người phụ nữ đã 21 năm tình nguyện chăm sóc khu mộ này. Không những vậy, mỗi khi có cá voi lụy vào bờ, người phụ nữ này trực tiếp khâm liệm bằng cách tắm nước hoa cho cá và đặt tên cho ngôi mộ của nó.

Bà Mai, người đã 21 năm chăm sóc, canh giữ mộ cá.

Để hiểu rõ hơn về khu mộ và người phụ nữ đặc biệt này, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Quang Hướng, Phó Chủ tịch hội ngư dân xã Cảnh Dương. Theo ông Hướng, khu này hiện tại có 24 ngôi mộ cá voi. Trước kia khu này chỉ có vài ngôi mộ, nhưng hơn 20 năm trở lại đây cá voi lụy vào bờ nhiều nên số lượng ngày càng tăng lên.

“Khu mộ cá voi này do người dân lập nên và được 1 người phụ nữ trong làng tự nguyện trông giữ, hương khói nhiều năm nay. Đi về cuối làng hỏi bà Mai canh mộ cá thì ai cũng biết”, ông Hướng chỉ dẫn cho chúng tôi.

Theo chỉ dẫn của ông Hướng, chúng tôi tìm về nhà của bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963), trú ở xã Cảnh Dương để tìm hiểu lý do vì sao người phụ nữ này lại bỏ thời gian và công sức để chăm sóc khu mộ cá voi. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết gia đình bà Mai có truyền thống làm ngư dân. Từ ông cha mình, bà được nghe không ít chuyện kì diệu về biển khơi, nghe truyền thuyết về “cá Ông, cá Bà” (2 con cá voi có kích cỡ rất lớn dạt vào bờ biển Cảnh Dương hàng trăm năm trước). Nhưng bà không ngờ rằng, sau này số phận của mình lại gắn liền với những ngôi mộ cá. Kể từ đó đến nay, cũng đã 21 năm bà Mai bén “duyên” với khu mộ cá voi.

Những ngôi mộ được bà Mai đặt tên và khắc lên bia.

Bà Mai kể rằng, vào một ngày cuối hạ, chính xác là ngày 30/6/1997 Âm lịch, bà ra bãi biển nhặt củi khô, khi đi qua miếu thờ “cá Ông, cá Bà” thì thấy một lư hương lâu ngày không ai dòm ngó, không có hương khói gì. Bà đã đi mua hương, hoa quả về thắp, quét dọn khu miếu tươm tất.

“Lúc đó, tôi thấy lòng yên bình, thanh thản lắm, rồi tự nhiên cảm thấy trách nhiệm hương khói, chăm lo khu miếu là của mình. Từ đó về sau, tôi tự nguyện ra chăm sóc cho khu mộ hàng ngày, nhất là vào ngày lễ, rằm”, bà Mai nhớ lại.

Tắm nước hoa, đặt tên cho cá

Hỏi về xuất xứ của những ngôi mộ cá, bà Mai cho biết, hàng trăm năm trước, khu mộ cá chỉ có 1 ngôi miếu nhỏ dân làng lập nên để thờ “cá Ông, cá Bà”. Nhưng từ năm 1997 trở về sau cá voi lụy vào càng nhiều, có năm dạt vào tới 3 con nên số lượng mộ ngày càng tăng lên.

Theo bà Mai, cứ mỗi lần cá voi “lụy” vào bờ biển, cả làng hân hoan vui sướng vì theo quan niệm của dân biển đây là điềm lành báo hiệu mùa ra khơi an toàn, bội thu tôm cá đầy thuyền. Cả dân làng chung tay đưa cá thiêng về lại “ngôi nhà” trước biển.

Mỗi lần có cá dạt vào, dân làng đưa cá về khu mộ, trước khi hạ táng thì bà sẽ đích thân nấu nước hoa (nước nấu từ nhiều loại hoa tự nhiên) và tắm cho cá thật sạch sẽ rồi mới làm lễ.

Lúc chờ hạ táng, dân làng sẽ tổ chức hát chèo cạn, sau đó chọn ra 6 người trai tráng khỏe mạnh chưa có gia đình để hạ táng các “ngài”.


“Sau khi hạ táng cho các ngài, khoảng 6 đến 7 năm sau sẽ bốc mộ và lập bia đá. Khi đó đích thân tôi sẽ đặt tên cho từng ngôi mộ và người dân sẽ cho khắc lên bia đá để tưởng nhớ về cá Ngài”, bà Mai nói.

Theo chân bà Mai ra khu mộ, chúng tôi quan sát trên những ngôi mộ cá, có ghi đầy đủ tên, ngày hạ táng cá voi. Tất cả ngôi mộ đều có xưng danh rõ ràng, thứ bậc riêng và được xếp theo thứ tự từ lớn đến bé.

Hiện tại, toàn khu mộ cá đã có 24 ngôi, trong đó 18 ngôi đã được bà Mai đặt tên, 6 ngôi còn lại mới được hạ táng nên chưa bốc mộ.

Không chỉ riêng bà Mai, đối với người dân làng biển Cảnh Dương, họ tôn thờ loài cá voi và đối xử rất mực cung kính, chu đáo và gọi là “đức Ông, đức Bà”. Đó cũng là niềm tin tâm linh ăn sâu trong tiềm thức và gắn bó máu thịt truyền từ đời này sang đời khác của người dân nơi đây.

Tác giả: Hải Long

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP