Video

Khoảnh khắc tàu container tông sập cầu ở Mỹ làm 6 người mất tích

Ba phút sau khi bị mất điện hoàn toàn, tàu container có tên Dali tông vào trụ cầu Baltimore (Mỹ), khiến hầu hết nhịp cầu rơi xuống nước.

Cầu Francis Scott Key của Baltimore sập vào sáng sớm hôm thứ Ba (26/3, theo giờ Mỹ) sau khi bị một tàu container đâm vào cột tháp. Vụ tai nạn khiến 6 người mất tích. Giới chức trách trước đó đã ngăn người dân đi lên cây cầu này sau khi phát hiện con tàu chở hàng gửi tín hiệu khẩn cấp. Thống đốc bang Maryland cho biết hành động này của họ đã cứu được nhiều mạng sống.

Có thể phải mất một thời gian nữa, một trong những cảng đông đúc nhất ở Bờ Đông nước Mỹ mới có thể mở cửa trở lại. Trong khoảng thời gian đó, nhiều câu hỏi liên quan tới vụ việc đã dấy lên.

Sự việc xảy ra như thế nào?

Rạng sáng 26/3 theo giờ Bờ Đông nước Mỹ (12h giờ Việt Nam), tàu container tên Dali đang đi xuôi dòng sông Patapsco trên hành trình đến Sri Lanka. Vào lúc 1h24 sáng, nó bị mất điện hoàn toàn và tất cả đèn đều tắt. Ba phút sau, lúc 1h27, tàu container tông vào trụ cầu, khiến gần như toàn bộ cầu rơi xuống nước.

Thống đốc bang Maryland Wes Moore cho biết cây cầu đã hoạt động đúng quy định và không có vấn đề gì về cấu trúc. Cảnh sát cho biết không có dấu hiệu khủng bố.

Hình ảnh từ trên cao của tàu chở hàng Dali sau khi đâm vào cầu Francis Scott Key (Ảnh: Getty)

Các kỹ sư cho biết cây cầu kiểu giàn kim loại có sàn treo, thiết kế này đã góp phần khiến nó bị sập. Con tàu dường như đã đâm vào một trụ bê tông chính cắm vào nền đất dưới nước và là một phần của móng cầu.

Cảnh sát bang Maryland cho biết có 6 người mất tích và được cho là đã chết. 2 người đã được cứu, 1 người không có thương tổn và 1 người bị thương nặng.

Vào thời điểm vụ việc xảy ra, một đội xây dựng đang sửa chữa trên cầu và 8 người rơi từ độ cao 56m xuống sông. Nhiệt độ nước lúc bấy giờ là 8 độ C. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không Liên bang (FAA), đó là giới hạn trên mà con người có thể sống sót khi rơi xuống nước.

Những vụ tai nạn như vậy có thường xuyên xảy ra?

Theo báo cáo năm 2018 của Hiệp hội Cơ sở hạ tầng Giao thông Đường thủy Thế giới (PIANC), những vụ tai nạn tương tự là rất hiếm gặp - nhưng Mỹ chiếm phần lớn trong số 35 vụ sập cầu do tàu hoặc sà lan gây ra từ năm 1960 đến năm 2015.

Rủi ro tai nạn đã tăng lên khi hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế tăng lên và các tàu hàng có kích thước ngày càng lớn hơn. Khối lượng container di chuyển qua các cảng của Mỹ đã tăng gần gấp đôi sau 20 năm, lên hơn 62,2 triệu TEU vào năm 2022.

Dali là một trong những loại tàu cỡ lớn mới được thiết kế để tận dụng phần âu tàu lớn hơn của Kênh đào Panama, hoàn thành vào năm 2016 - và kích thước của tàu có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

Tàu Dali trước đây từng gặp sự cố va chạm tương tự tại Antwerp, Bỉ (Ảnh: Washington Post)

Simon Heaney, nhân viên tư vấn hàng hải của Drewry Shipping Consultants có trụ sở tại London, cho biết các tàu container lớn như Dali không thường xuyên ghé các cảng bờ biển phía Đông nước Mỹ cho đến khi Kênh Panama được nâng cấp vào năm 2016.

Các cạnh lớn và dốc của những con tàu container này cũng có thể khiến chúng dễ bị ảnh hưởng hơn bởi gió lớn.

Việc vào và rời cảng là những điểm nguy hiểm trong hành trình của những con tàu - vì vậy các tàu điều hướng trong vùng nước hạn chế thường có một hoa tiêu người bản địa. Tàu Dali cũng thuê một hoa tiêu ở Baltimore.

Tàu Dali từng đâm vào một bến cảng

Vào thời điểm xảy ra tại nạn, con tàu chở hàng Dali đang rời Baltimore trên đường đến Colombo, Sri Lanka.

Công ty quản lý tàu, Synergy Marine Group, cho biết tất cả 22 thủy thủ đoàn đều đã được xác định và không có ai bị thương.

Dữ liệu của LSEG cho thấy chủ sở hữu đăng ký của con tàu treo cờ Singapore này là công ty Grace Ocean Pte Ltd. Con tàu có chiều dài 289m - dài gấp 3 lần sân bóng đá tiêu chuẩn - và được chất đầy các container.

Con tàu có thể chứa tới 10.000 TEU, thước đo sức chứa hàng hóa. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, nó chở 4,679 TEU.

Con tàu này cũng từng gặp sự cố tại cảng Antwerp, Bỉ vào năm 2016, khi nó đâm vào một bến cảng trong lúc đang cố gắng rời khỏi cảng container Biển Bắc.

Theo dữ liệu trên trang web Equasis, chuyên cung cấp thông tin về tàu biển, một cuộc kiểm tra gần đây nhất vào tháng 6/2023 được thực hiện tại San Antonio, Chile đã phát hiện ra tàu Dali có vấn đề về "động cơ đẩy và máy móc phụ trợ".

Ai sẽ trả tiền cho thiệt hại?

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặc dù tổn thất do vụ tai nạn vẫn chưa rõ nhưng chính quyền liên bang sẽ là bên chịu phí tổn. Ngành bảo hiểm sắp phải chi một khoản phí khổng lồ do vụ sập cầu.

Financial Times dẫn một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm Mỹ nói rằng, còn quá sớm để đưa ra ước tính đáng tin cậy, nhưng các công ty bảo hiểm có thể bồi thường những tổn thất đáng kể bao gồm hư hỏng cây cầu, gián đoạn cảng và bất kỳ tổn thất nào về nhân mạng.

Trọng tâm trong vụ việc có thể sẽ là tiền bảo hiểm và bồi thường cho con tàu, một loại bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc phải có nhằm chi trả cho các vụ tai nạn, tràn dầu và các thảm họa khác. Bên bảo hiểm cho tàu Dali là công ty Britannia P&I Club. Britannia cho biết họ đang “làm việc chặt chẽ với người quản lý tàu và các cơ quan liên quan để xác định sự thật và giúp đảm bảo rằng tình huống này được giải quyết nhanh chóng và chuyên nghiệp”.

Một chuyên gia bảo hiểm hàng hải cho biết khoản thanh toán tiền bảo hiểm trách nhiệm, bao gồm cả hư hỏng của cây cầu, có thể sánh ngang với vụ tai nạn tàu du lịch Costa Rica Concordia năm 2012 – lên tới 1,5 tỉ USD.

Hoạt động của cảng ở Baltimore bị ảnh hưởng nặng nề do vụ tai nạn (Ảnh: CNN)

Tác động ra sao đến việc nhập khẩu ô tô?

Các quan chức bang Maryland cho biết rằng hoạt động vận chuyển ra vào cảng sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới. Theo văn phòng Thống đốc bang Maryland, mặc dù cảng này nhỏ hơn so với cảng ở New York và New Jersey, nhưng đây là cảng nhập cảnh chính ở bờ biển phía Đông dành cho ô tô nhập khẩu.

Năm 2023, cảng đã xử lý lượng hàng hóa nước ngoài cao kỷ lục 52,3 triệu tấn, trị giá 80 tỉ USD. Con số này bao gồm hơn 847.000 ô tô, xe tải nhẹ và 1,3 triệu tấn máy móc nông nghiệp và xây dựng. Khoảng 140.000 việc làm liên quan đến hoạt động của cảng. Đây cũng là cảng xuất khẩu than đứng thứ 2 của Mỹ.

Các công ty ô tô bao gồm General Motors và Ford cho biết họ sẽ nỗ lực định tuyến lại các chuyến hàng đến các cảng gần đó, trong khi Nissan cho biết sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng do gián đoạn. Toyota cho biết một số hoạt động xuất khẩu của họ có thể bị ảnh hưởng, trong khi Volvo và JLR cũng sử dụng cảng này. Volkswagen, hãng cũng sở hữu thương hiệu Audi và Porsche, sử dụng cảng Sparrows Point nằm ở phía đông cây cầu bị sập nên không bị ảnh hưởng.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng thảm kịch xảy ra vào thời điểm ngành vận tải biển đang gặp khó khăn bởi các vấn đề như hạn hán ở Kênh đào Panama và xung đột ở Biển Đỏ.

Tác giả: Huyền Chi

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP