Tin địa phương

Khi người nghèo tham gia gửi tiết kiệm

Thực tế cho thấy, nhiều hộ nghèo có mong muốn tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng nhưng lại khó tìm được địa chỉ đáng tin cậy, thuận lợi và thủ tục đơn giản. Nắm bắt được thực trạng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) tại các xã, phường. Cách làm này đã mang lại tiện ích và hiệu quả nhiều mặt cho người dân.

Những năm qua, nhờ có nguồn vốn ưu đãi, phong trào vay vốn sản xuất tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) được đẩy mạnh. Qua trao đổi, chị Phạm Thị Bé, tổ trưởng Tổ TK-VV xã Bảo Ninh chia sẻ, việc thành lập Tổ TK-VV thực sự như một “cú hích” hỗ trợ cho việc giảm nghèo của hội viên phụ nữ địa phương.

Tổ TK-VV trên địa bàn TP. Đồng Hới tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của vốn vay ưu đãi và chương trình tiền gửi của tổ viên.

Đến nay, tổ có 60 thành viên thực hiện các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ gần 1 tỷ đồng. Thời gian đầu, trong những lần sinh hoạt, tổ trưởng đã tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của vốn vay ưu đãi. Sau đó, bà con được vận động tham gia gửi tiền tiết kiệm, tạo thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có giúp mọi người có thể chủ động hơn trong cuộc sống.

Theo đó, các tổ trưởng nhận tiền gửi từ các thành viên, sau đó hàng tháng hoặc hàng quý nộp cho cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch xã theo quy định. “Bằng hình thức này, các hộ nghèo với số tiền từ 10.000 đồng trở lên đã tham gia tiền gửi tiết kiệm hàng tháng, trong đó có khoảng 10 hộ tham gia gửi 50.000-70.000 đồng/tháng, còn lại các hộ gửi tiền tiết kiệm từ mức 100.000-400.000 đồng/tháng. Nhờ vậy, hoạt động gửi tiền tiết kiệm của các tổ viên đã trở thành nền nếp và số tiền tiết kiệm của tổ đã đạt 150 triệu đồng...”, chị Bé thông tin thêm.

Gia đình chị Ngô Thị Tham là một trong những hộ khá tích cực tham gia gửi tiết kiệm người nghèo. Thuộc đối tượng hộ cận nghèo, gia đình chị đã được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng để sản xuất. “Được tổ trưởng Tổ TK-VV tuyên truyền và vận động, hướng dẫn, tôi đã tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ với số tiền 70.000 đồng/tháng.

Việc “tích tiểu thành đại” trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình tôi trong việc trả nợ mỗi khi đến hạn...”, chị Tham tâm sự. Không riêng gì gia đình chị Tham, mà với ý thức dành dụm và tích lũy, 60 tổ viên Tổ TK-VV của chị cũng đã tham gia chương trình gửi tiết kiệm của hộ nghèo.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có 1.217 hộ/1.268 hộ tại 25 Tổ TK-VV tham gia gửi tiết kiệm với số dư tiết kiệm gần 2 tỷ đồng. Với mức tiền trung bình hàng tháng mỗi hộ gửi 100.000 đồng, thì chỉ có NHCSXH mới chấp nhận cho người dân gửi tiết kiệm. Phải thừa nhận rằng, tuy con số tiết kiệm chưa cao nhưng đã tạo động lực cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tự tin vươn lên có cuộc sống ổn định. Quan trọng hơn, hình thức tiết kiệm này đã tạo được thói quen, ý thức, trách nhiệm của các hộ nghèo đối với bản thân, cũng như quy định của tổ.

Theo tìm hiểu, hầu hết các xã, phường trên địa bàn TP. Đồng Hới đều thực hiện khá tốt chương trình gửi tiền tiết kiệm của hộ nghèo thông qua Tổ TK-VV. Đây là hình thức vừa giúp bà con nghèo thực hành tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK-VV, góp phần tiết kiệm được tiền để trả nợ cho khoản vay đến hạn, vừa tạo thêm nguồn vốn cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay.

Các Tổ TK-VV được thành lập trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau vay vốn NHCSXH để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Vì vậy, việc huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên thông qua Tổ TK-VV được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai chương trình, NHCSXH đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có và dự phòng rủi ro như ốm đau.

Mặt khác, người dân tiếp xúc và làm quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính để tạo thêm nguồn vốn, mở rộng cho vay trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tại các Tổ TK-VV, mặc dù mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ, nhưng tất cả đều phải được công khai, minh bạch với người dân, qua đó, góp phần giảm tình trạng người dân, nhất là các hộ nghèo tham gia vay nặng lãi hoặc tham gia hụi không an toàn; đồng thời thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

“Mới đầu, mọi người cũng băn khoăn sợ không có hiệu quả, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, mỗi thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đều có tờ phiếu ghi và nhập vào sổ để quản lý. Dần thấy hiệu quả, nên bà con ngày càng tích cực tham gia”, chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh, tổ viên tham gia gửi tiết kiệm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh, tích cực tham gia chương trình tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo.

Với những nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, chương trình tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Toàn thành phố hiện đã huy động được số tiền gửi tiết kiệm gần 6,8 tỷ đồng với tổng số hộ tham gia tiết kiệm là 5.444/5.862 hộ, chiếm 92,8% số hộ vay vốn.

Phải khẳng định rằng, chương trình đã được đông đảo người nghèo trên địa bàn thành phố đón nhận bởi đây là hình thức tiết kiệm dễ tiếp cận, đáng tin cậy và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện có nhiều xã, phường, như: Thuận Đức, Lộc Ninh, Bảo Ninh, Đức Ninh..., thực hiện tốt chương trình với tỷ lệ hộ nghèo và đối tượng chính sách tham gia cao.

Trong thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi; tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp xã, phường nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, đơn vị tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm để nâng cao nhận thức của người dân.

Tác giả: N.L

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP