Giáo dục

Khát vọng bị chối từ

Vào mùa tuyển sinh đại học năm nay, lại có một câu chuyện mới (nhưng thực sự là rất cũ) xảy ra như bao nhiêu năm qua đã từng. Đó là chuyện của thí sinh Trần Hương Ly, ở Nghệ An, với tổng điểm thi đạt 26,5, đơn vị đăng ký là Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Nữ sinh “trượt” học viện cảnh sát vì vướng án tích của mẹ: Công an tỉnh Nghệ An làm đúng quy định
Nữ sinh bị từ chối học ngành công an: Giám đốc HV Cảnh sát Nhân dân lên tiếng
Bị từ chối vào học ngành Công an, thí sinh viết đơn đề nghị


Ảnh minh họa.

Hương Ly đủ điểm vào trường, nhưng em không được nhận, vì lý lịch của mẹ em đã từng có một án tích (dù đã được xoá). Và cũng như những câu chuyện của các năm trước, Hương Ly gửi thư tới Tổng cục Chính trị, Bộ Công An; Giám đốc Học viện CSND và cả Giám đốc CA Nghệ An ngõ hầu mong nhận được một đặc cách cho mình.

Cách trả lời của Giám đốc Học viện CSND cũng rất đàng hoàng, và rõ ràng. Ông khẳng định rằng, trường hợp của Hương Ly đã có quy định rất cụ thể của Bộ Công an và chỉ khi có chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ, Học viện mới có thể tiếp nhận hồ sơ đăng ký học của Hương Ly. Thực tế, Học viện CSND cũng chưa nhận được hồ sơ của Ly. Nơi nhận hồ sơ, theo đúng quy định tuyển sinh dành cho các trường Cảnh sát và An ninh, là cơ quan công an địa phương. Công an Nghệ An cũng xử lý rất rạch ròi, khi họ nhận được hồ sơ, họ đã lập tức thông báo với Hương Ly về chuyện hồ sơ của em “phạm quy” như thế nào.

Chưa biết Hương Ly có nhận được đặc cách hay không, nhưng chúng ta nhận ra rằng, với 4 trường hợp đặc cách ở các năm trước đó, chắc chắn trong tương lai vẫn sẽ có những thí sinh nộp đơn xin vào các trường Công an dù rằng trong lý lịch của mình, họ có thân nhân từng mang án tích. Và điều đó đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm, về một khả năng thay đổi quy trình tuyển sinh vào các trường Công an để phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội.

Chúng ta hãy dẹp sang một bên chuyện thí sinh muốn học các trường thuộc lực lượng vũ trang vì lý do đời sống là ở đó, họ được bao cấp tốt hơn hẳn so với các trường chuyên ngành khác. Hãy nhìn vào mặt tích cực hơn, nhân văn hơn để xác định lý do chung của những thí sinh muốn nộp đơn vào các trường thuộc lực lượng vũ trang ấy chỉ là bởi họ yêu thích công việc đó; trân trọng công việc đó. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng đang tồn tại những bất cập thực tế ngăn cản khát vọng hướng thiện của con người.

Trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, mặc định ở mọi nơi, người Cảnh sát luôn là đại diện cho cái Thiện và tội phạm là đại diện của cái Ác. Như vậy, chúng ta có thể xem như những cá nhân muốn được khoác lên mình bộ cảnh phục thông qua hệ thống học việc của ngành đều mang cái khát vọng được phục vụ trong đội ngũ đại diện cho cái Thiện. Và điều gì mâu thuẫn đây khi một người muốn phục vụ cho cái Thiện lại có thân nhân từng là, hoặc đang là, đại diện cho cái Ác? Sẽ có những mâu thuẫn kiểu thuyết âm mưu như “Chắc họ muốn lọt vào ngành để có thể sau này bao che cho thân nhân của mình”. Điều đó nghe có vẻ ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng thực tế, bố trí họ vào công việc nào là quyết định của tổ chức, sau khi họ đã tốt nghiệp khoá học của mình. Và nếu họ làm những điều vi phạm pháp luật như thế, họ sẽ phải chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật một cách nghiêm khắc nhất.

Có lẽ, cái mâu thuẫn lớn nhất ở đây chính là việc khát vọng hướng Thiện của một cá nhân, và thậm chí là khát vọng đại diện một thế hệ mới của gia đình mong mỏi được phục Thiện cho cả gia đình, đã bị đặt vào một thử thách rất lớn dưới cái gọi là quy định. Chúng ta vẫn nói phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng chúng ta có nên thận trọng quá mức tới độ đặt ra rào cản với cả những cá nhân có thể sẽ không bao giờ nhiễm bệnh không?

Và nhìn vào thực tế, đúng là có những bộ phận của ngành Công An, chẳng hạn như ở bộ phận An ninh, rất cần khắt khe, gắt gao ở đầu vào để lựa chọn những cá nhân ưu tú nhất đủ đáp ứng cả các tiêu chuẩn về tri thức lẫn đạo đức nhưng song song đó cũng có những bộ phận mà sự gắt gao kia sẽ là quá thừa và chỉ mang lại một cái nhìn mặc cảm từ phía xã hội. Nếu một cơ chế không ủng hộ sự hướng thiện đúng nghĩa; không ủng hộ khát vọng phục thiện đúng nghĩa, cơ chế ấy đã đánh mất nền tảng cơ bản nhất mà xã hội cần có: nền tảng của nhân văn. Mà suy cho cùng, cũng như mọi ngành nghề thôi, lực lượng vũ trang cũng rất cần đề cao tính nhân văn để làm đậm nét hơn vai trò đại diện cho cái Thiện của mình.

Sẽ còn bao nhiêu Hương Ly nữa? Hay là sẽ có những thay đổi tích cực, để không bao giờ còn những trường hợp như Hương Ly?

Tác giả bài viết: Hà Quang Minh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP