Kinh tế

Khai thác gỗ rừng trồng: Khung pháp lý chưa rõ ràng

Hiện nay, ở một số địa phương, xu thế nhiều hộ gia đình trồng rừng liền kề nhau cùng bán cho một thương lái hoặc tự liên kết với nhau để khai thác đang diễn ra. Tuy nhiên, khung pháp lý lại chưa quy định cụ thể về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hai trường hợp nêu trên. Chính vì vậydẫn đến tình trang gỗ rừng trồng từ hợp pháp thành bất hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam tham gia VPA/FLEGT.


images1611011 anh1
Người dân không có phương tiện để vận chuyển gỗ khi đến chu kỳ khai thác

Thiếu cụ thể, khó thực thi

Với các chính sách phù hợp và định hướng xã hội hóa ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Từ một triệu ha (năm 1990) lên gần 3,7 triệu ha (năm 2014). Trồng rừng là nguồn sinh kế góp phần cải thiện thu nhập cho khoảng 1,4 triệu hộ gia đình. Với tốc độ phát triển như vậy, việc phát sinh các tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình trồng, khai thác rừng là khó tránh khỏi.

Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định lập báo cáo ĐTM đối với dự án khai thác rừng với diện tích từ 200ha trở lên đối với rừng trồng là rừng sản xuất, áp dụng phương thức chặt trắng, có lô thiết kế khai thác diện tích tập trung. Tuy vậy, những văn bản này không nêu rõ trong các trường hợp cá nhân, tổ chức mua lại rừng trồng của nhiều người có diện tích lớn, liền kề nhau để khai thác, hoặc nhiều hộ gia đình có diện tích liền kề, liên kết với nhau để khai thác diện tích lớn hơn 200ha.

Như vậy, vô tình các chủ rừng đã đẩy gỗ hợp pháp của mình trở thành gỗ bất hợp pháp. Trong bối cảnh Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) chuẩn bị được ký kết, việc đưa ra khung chính sách cụ thể về những trường hợp này sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ.

Trên thực tế, việc các chủ rừng không có đủ điều kiện, nhân lực, máy móc khai thác, phương tiện vận chuyển đến nơi tiêu thụ nên phải bán cây đứng cho thương lái. Việc các chủ rừng bị thương lái ép giá là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, kết quả điều tra của Mạng lưới VNGO – FLEGT tại 4 tỉnh: Hoà Bình, Nghệ An, Bình Định, Kon Tum (tháng 8/2015) cho thấy, chỉ khoảng 10% các hộ trồng rừng có khả năng tự khai thác. Do đó, việc các chủ rừng tự liên kết với nhau khai thác rừng với diện tích lớn hơn 200ha đang có xu hướng gia tăng trong tương lai để tránh phụ thuộc vào thương lái. Nhưng khi liên kết khai thác, diện tích rừng vượt quá 200ha các chủ rừng đã biến gỗ hợp pháp trở thành gỗ bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, trường hợp một số thương lái thu gom rừng trồng của nhiều chủ rừng với diện tích lớn hơn 200ha để khai thác đang diễn ra phổ biến. Khảo sát thực trạng thu mua gỗ rừng trồng tại tỉnh Nghệ An cho thấy, với tổng diện tích rừng trồng gần 16 nghìn ha, chỉ có khoảng 70 thương lái chuyên mua gỗ rừng trồng. Như vậy, mỗi thương lái sẽ thu mua khoảng 224ha cho mỗi chu kỳ khai thác. Mặt khác, các thương lái cũng ưu tiên việc thu mua gỗ của các chủ rừng có diện tích rừng liền kề nhau, để thuận lợi cho việc khai thác thuận lợi và tiết kiệm chi phí.Với những thương lái lớn, con số này sẽ còn lớn hơn số trung bình nhiều lần.

Các thương lái này thường nắm bắt quy chế, quy định nhanh nhạy. Tuy nhiên, tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 không quy định rõ ràng việc lập báo cáo ĐTM, nên khi thu mua diện tích rừng lớn hơn 200 ha các thương lái không đến chính quyền địa phương để đăng ký. Như vậy, khi Hiệp định VPA/FLEGT chính thức có hiệu lực tại Việt Nam thì chính các thương lái thu mua rừng trồng này sẽ gặp phải nhiều bất lợi rất lớn, đặc biệt về mặt kinh tế.

Ngoài ra, trách nhiệm phê duyệt hồ sơ khai thác rừng trồng của hộ gia đình thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Nhưng theo kết quả điều tra, 100% cán bộ Lâm nghiệp xã khi được phỏng không nắm được quy định về việc lập báo cáo ĐTM đối với khai thác rừng trồng có diện tích lớn hơn 200 ha, nên đã không yêu cầu các chủ khai thác thực hiện nghiêm theo quy định.

Cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn

Khi Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU phải là gỗ hợp pháp, không những thế gỗ và sản phẩm gỗ tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng phải hợp pháp. Vì vậy, việc tiêu thụ số lượng gỗ bất hợp pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến thu nhập cũng như đời sống của người trồng, khai thác rừng, đặc biệt là người dân ở các huyện miền núi. Việc khai thác rừng trồng của nhiều hộ gia đình có diện tích tập trung và lớn hơn 200 ha đã, đang và sẽ diễn ra trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, về lâu dài chúng ta cần bổ sung và làm rõ việc có hay không lập báo cáo ĐTM cho hai trường hợp trên tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP, Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Để thực hiện được điều này, các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn, UBND tỉnh cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể và phổ biến đến các ban, ngành liên quan, chính quyền huyện, xã. UBND cấp huyện, xã, Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng là tổ chức cần nắm rõ danh sách các hộ trồng rừng để tuyên truyền nâng cao nhận thức về quy định gỗ hợp pháp. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn phải thường xuyên thu mua rừng trồng để khai thác, để đảm bảo quyền lợi của người trồng rừng, khai thác rừng trong tiến trình VPA/FLEGT, cũng như tránh việc các hộ khai thác vi phạm các quy định của pháp luật.

Tác giả bài viết: Vũ Vân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP