Thế giới

Kế hoạch xóa sổ Đức bằng vi khuẩn bệnh than của Anh năm 1942

Chính phủ Anh từng có kế hoạch đưa mầm bệnh than đến Đức nhằm ngăn chặn hiểm họa bị xâm lược trong Thế chiến II.

Thủ tướng Anh Winston Churchill. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 10/7/1940, phát xít Đức ném bom nước Anh để chuẩn bị cho chiến dịch xâm lược. Đứng trước nguy cơ bị tấn công, chính phủ Anh đã lên kế hoạch tiến hành chiến dịch mang mật danh "Vegetarian" vào năm 1942 nhằm gieo kinh hoàng, thậm chí xóa sổ nước Đức bằng vi khuẩn bệnh than, theo WATM.

Sau hàng loạt chiến thắng chớp nhoáng ở châu Âu, quân Đức bắt đầu tập trung lực lượng để vượt eo biển Anh. Lúc này, nước Anh gần như đơn độc trong cuộc chiến với Đức, do hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều đã bị xâm lược hoặc tuyên bố trung lập. Bản thân Mỹ cũng không thể can thiệp do sức ép của dư luận trong nước.

Đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt, Thủ tướng Anh Winston Churchill ra lệnh cho căn cứ bí mật Porton Down tìm cách nghiên cứu sử dụng bệnh than làm vũ khí đối phó Đức.

Bệnh than (Anthrax) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Bacillus anthracis ở trong đất gây ra trên các loài động vật máu nóng, gồm gia súc, động vật hoang dã và con người. Đại dịch bệnh than từng xảy ra nhiều lần, chủ yếu ảnh hưởng tới nông dân, những người thường phải tiếp xúc với gia súc nhiễm vi khuẩn. Nếu vi khuẩn xâm nhập qua vết thương hở trên da, dấu hiệu nhiễm bệnh rõ nhất là da bị rộp, có màu đen như than.

Vào thời điểm nổ ra Thế chiến II, bệnh than lây nhiễm qua da khiến 20% nạn nhân tử vong, trong khi vi khuẩn xâm nhập đường tiêu hóa hoặc hô hấp có tỷ lệ tử vong lần lượt là 60% và 95%. Thịt gia súc bị nhiễm bệnh than không thể ăn được, do đây là một nguồn lây nhiễm cho người. Vì vậy, các nhà khoa học Anh quyết định loại bỏ nguồn cung thịt của Đức bằng cách rải mầm bệnh than, xóa sổ đàn gia súc ở miền bắc nước này.

Theo kế hoạch, oanh tạc cơ Anh sẽ thả các khối thức ăn gia súc nhiễm vi khuẩn bệnh than xuống đồng cỏ và bãi chăn nuôi của Đức. Những con vật ăn phải loại thực phẩm này sẽ chết trong vài ngày, đồng thời gây nguy cơ lây nhiễm và có thể khiến hàng nghìn đến hàng triệu người Đức thiệt mạng.

Mỗi oanh tạc cơ Anh có thể thả 4.000 khối thức ăn nhiễm mầm bệnh than. Ảnh: WW2HQ.

Các nhà khoa học Anh nhận định chỉ cần một lượng nhỏ thịt bị nhiễm độc cũng gây hoảng loạn, khiến chuỗi cung ứng thịt cho lính Đức bị nghi ngờ. Nỗi sợ hãi sẽ khiến quân Đức không dám ăn thịt, gây thiếu hụt thực phẩm và suy giảm tinh thần chiến đấu.

London dự tính chế tạo 5 triệu khối thức ăn có kích cỡ 2,5 cm, nặng 28 g, sau đó tiêm vi khuẩn bệnh than vào bánh. Việc chuẩn bị được hoàn tất vào mùa xuân năm 1944, các oanh tạc cơ cải tiến cũng sẵn sàng triển khai.

Theo ước tính, máy bay Anh sẽ mất 18 phút để đến mục tiêu. Mỗi chiếc cần khoảng 20 phút để thả tổng cộng 4.000 khối thức ăn mang theo. Khi nhiệm vụ hoàn thành, hầu hết khu vực chăn nuôi ở miền bắc nước Đức sẽ bị nhiễm khuẩn bệnh than, chưa kể tới hàng triệu khối thức ăn dự phòng để thả xuống các vùng còn lại.

"Các thử nghiệm cho thấy gia súc phát hiện và ăn thực phẩm nhiễm bệnh trong thời gian rất ngắn", tiến sĩ Paul Fildes, giám đốc phòng sinh học ở Porton Down khẳng định. Do vi khuẩn bệnh than có thể tồn tại trong đất hơn một thế kỷ, khu vực bị nhiễm sẽ không thể chăn thả gia súc cũng như sinh sống trong hàng chục năm.

Tuy nhiên, chiến dịch Vegetarian bị hủy do cục diện chiến trường đã thay đổi, gây bất lợi cho Đức. Chiến dịch xâm lược Anh của trùm phát xít Adolf Hitler không thành do vấp phải sự kháng cự quyết liệt của không quân Anh. Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, toàn bộ 5 triệu khối thức ăn tẩm vi khuẩn bệnh than đều bị tiêu hủy tại căn cứ Porton Down.

Tác giả: Duy Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP