Kinh tế

Hơn nửa triệu hộ kinh doanh 'lọt sổ' thuế

Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các cục, chi cục thuế rà soát, kiểm tra, quản lý tình trạng hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế.

thuế

Nhiều hộ kinh doanh né đăng ký lên DN do đóng thuế khoán thấp hơn. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Lỗ hổng thuế khoán

“Nếu chúng ta đưa ra chính sách người tiêu dùng lấy hóa đơn trong mọi hoạt động chi tiêu thiết yếu như ăn uống, ăn mặc thì có thể kiểm soát được doanh thu của nhiều cửa hàng. Ví dụ cho người tiêu dùng gom hóa đơn với trị giá như từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được đổi 1 - 2 lít xăng thì lập tức khách mua hàng sẽ yêu cầu lấy hóa đơn. Nếu cửa hàng nào không có hóa đơn thì mất khách. Một khi đã xuất hóa đơn thì cơ quan thuế sẽ biết được số thu thực tế để ấn định mức thuế công khai, rõ ràng”.

Luật sư Trần Xoa


Tổng cục Thuế cho biết theo báo cáo từ các cục thuế, cả nước có 581.700 hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế. Cơ quan này yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế. Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát. Tổng cục Thuế cũng lưu ý đối tượng hộ gia đình vừa sản xuất, vừa bán lẻ sản phẩm tại nhiều địa điểm khu vực dân cư là đối tượng có chênh lệch nhiều trong tiêu chí điều tra của cơ quan thuế.

Chuyện “lọt sổ” của nhiều hộ kinh doanh hay nộp thuế ít so với doanh thu thực tế không phải là mới. Theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều hộ kinh doanh có doanh thu đến vài tỉ đồng mỗi năm nhưng chỉ đóng thuế khoán khá thấp. Như chị T.H, chủ một cơ sở may quần áo nữ bỏ sỉ cho các chợ đầu mối tại TP.HCM, cho biết thuế môn bài chị đóng là 300.000 đồng, hằng tháng chị đóng thuế khoán là 495.000 đồng. Chiếu theo quy định, với mức thuế môn bài của chị T.H như trên đồng nghĩa doanh thu của chị từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Nhưng theo một số đầu mối nhận hàng sỉ của chị T.H, doanh thu của chị ước tính phải hơn 5 tỉ đồng/năm. Với tỷ lệ lợi nhuận không thấp hơn 15% của các cơ sở may nói chung, mỗi tháng tối thiểu chị lời khoảng 50 - 60 triệu đồng.

Mức đóng thuế khoán của chị T.H là phổ biến của hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay. Ví dụ khi tra cứu thông tin trên Tổng cục Thuế, nhiều hộ kinh doanh ở khu vực Q.1, TP.HCM đang nộp thuế khoán từ 300.000 - 450.000 đồng/tháng đang hoạt động bán lẻ hàng may mặc, thực phẩm, kinh doanh ăn uống...

Trong báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố năm 2017 cho thấy, có không ít hộ kê khai vốn kinh doanh, tài sản thấp hơn nhiều so với giá trị thực để giảm bớt sự “quan tâm, để ý” của các cơ quan chức năng. Một ví dụ được nêu trong báo cáo là một hộ kinh doanh cơ khí ở Đồng Nai khai vốn kinh doanh 50 triệu đồng, đóng thuế khoán là 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, căn cứ số máy móc tại nơi sản xuất, tổng giá trị tài sản của hộ này thực tế lên tới hàng tỉ đồng…

Quản lý bằng hóa đơn ?

Theo ước tính, hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần gấp 10 lần tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực này cho ngân sách nhà nước còn rất khiêm tốn. Số thuế thu từ khu vực hộ kinh doanh năm 2014 theo Tổng cục Thống kê báo cáo chỉ chiếm 2% tổng thu nội địa.

Luật sư, chuyên gia tư vấn về thuế Trần Xoa cho rằng hầu hết các hộ kinh doanh kê khai doanh số để nộp thuế khoán đều ít hơn số thu thực tế rất nhiều. Đây chính là lỗ hổng trong vấn đề quản lý và thất thu thuế của nhà nước. Hơn nữa, điều đó khiến cho môi trường kinh doanh của VN chưa được công bằng. Chuyên gia này phân tích: Ví dụ với các DN cũng kinh doanh hàng thời trang phải kê khai đóng thuế thu nhập DN là 20%, cộng thêm với thuế giá trị gia tăng phải thu hộ từ người tiêu dùng là 10%; trong khi các cửa hàng bán lẻ không phải DN lại chỉ đóng thuế khoán ở mức thấp hơn nhiều, chưa tới 10% trên lợi nhuận. Chỉ cần các cửa hàng này giảm giá thêm 10% là có thể thu hút được khách hàng hơn các DN lớn. Hiện nay do người tiêu dùng không được khuyến khích lấy hóa đơn mua hàng; các cửa hàng và hộ kinh doanh cá thể cũng không cần sử dụng hóa đơn. Vì vậy mới có cơ hội “né” thuế vì cơ quan quản lý không biết được số lượng bán ra bao nhiêu.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nhận định lực lượng kinh doanh cá thể sẽ ngày càng tăng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh qua mạng. Những cá nhân hay hộ kinh doanh chắc chắn đều ngại đăng ký DN vì nhiều thủ tục và phải kê khai nộp thuế cao hơn trong khi mức thuế khoán lại thấp. Vì vậy, cần khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn để tạo áp lực trở lại cho các đơn vị bán hàng phải cung cấp hóa đơn. Ví dụ như cho khấu trừ chi tiêu quần áo của người dân hằng năm nếu có hóa đơn. Nếu cửa hàng nào không có hóa đơn thì người tiêu dùng sẽ không mua. Từ đó cơ quan thuế có thể quản lý được doanh thu của hộ kinh doanh, đồng thời khuyến khích các đơn vị này phát triển lên DN như mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: nửa triệu , hộ kinh doanh , thuế

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP