Ngày 21-4, thí sinh cả nước chính thức đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025. Trước đó, trong thời gian từ ngày 15 đến 18-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã mở cổng đăng ký cho thí sinh thao tác thử nghiệm.
Tăng khoảng 40.000 thí sinh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, dự kiến hơn 1,1 triệu học sinh (HS) sẽ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 26 và 27-6 năm nay. So với năm ngoái, số thí sinh tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu, nhiều hơn khoảng 40.000 em.
Do đây là năm đầu tiên thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) thi tốt nghiệp nên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi cho 2 nhóm thí sinh, tương ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) và cũ (2006). Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp theo chương trình mới phải làm 4 bài thi, bắt buộc có toán và ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn 2 môn đã học ở trường (hóa, lý, sinh, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ). Thí sinh thi theo chương trình cũ (chương trình 2006) sẽ làm bài thi ngữ văn, toán, ngoại ngữ, cùng 1 trong 2 bài khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
![]() |
Học sinh lớp 12 Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1 - TP HCM) tích cực ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho hay nội dung đề thi sẽ bám sát nội dung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cấp THPT, trong đó chủ yếu là chương trình lớp 12. Cấp độ tư duy gồm 40% mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng. Ngoài ra, tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế, đặc biệt trong những nội dung phân hóa, nhằm đánh giá đúng năng lực HS.
Theo ông Hà, những điểm mới này đòi hỏi thầy cô cần hướng dẫn HS tự đọc, tự học.
Một điểm mới quan trọng khác là trong tính điểm xét tốt nghiệp, chỉ còn 50% điểm thi tốt nghiệp THPT (các năm trước là 70%), còn 50% là tính điểm từ quá trình 3 năm học THPT. Để bảo đảm an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 HS trong 1 phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3. Việc thu bài sẽ thực hiện theo phòng mà không cần phân loại theo môn; sẽ giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi và 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn.
Đa số chọn môn tiếng Anh
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, trong đợt khảo sát được tổ chức mới đây với hơn 117.000 HS lớp 12, môn được nhiều em lựa chọn nhất là tiếng Anh với 61.000 em, tương đương 52%. Kế đó, lịch sử và địa lý lần lượt có hơn 47.500 và 45.000 lượt dự thi, chiếm 40%-38% tổng HS. Trong khi đó, ở nhóm tự nhiên, môn lý có gần 33.000 HS lựa chọn, chiếm 28%, tỉ lệ này ở môn hóa là 13% và môn sinh là 3%.
Tại một địa phương khác là Huế, xu hướng chọn môn thi tốt nghiệp cũng tương tự vậy. Trong đợt thi thử tốt nghiệp hôm 10-11-4, gần 38% trong 13.400 HS chọn thi lịch sử, 34% chọn tiếng Anh và 31% chọn địa lý, 30% HS chọn môn lý, 22% chọn môn hóa và 8% chọn môn sinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc nhiều HS chọn môn xã hội có lý do từ những tính toán cơ hội vào đại học, bởi tâm lý thí sinh những môn này dễ đạt điểm cao.
Lãnh đạo nhiều trường THPT ở TP HCM, cho biết đa số HS vẫn chọn môn thi tốt nghiệp THPT là tiếng Anh và khoa học tự nhiên, kết quả này không thay đổi so với khảo sát đầu năm học và đầu học kỳ II.
Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), theo khảo sát HS khi đăng ký môn tự chọn thi tốt nghiệp, dẫn đầu vẫn là tiếng Anh với 354 HS chọn, sau đó đến môn lý, hóa, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học. Hai môn tin học và công nghệ không có HS chọn. Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), trong số 621 HS lớp 12, chỉ có 1 HS chọn thi môn công nghệ, 2 HS chọn môn tin học, 5 em chọn giáo dục kinh tế và pháp luật; còn lại chủ yếu là chọn các môn tiếng Anh, hóa, sinh, lý... Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), theo ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường, tỉ lệ HS chọn tiếng Anh là môn thi tốt nghiệp vẫn rất cao dù là môn tự chọn, bên cạnh đó là các môn lý, hóa, sinh, sử, địa lý...
Nói thêm về tỉ lệ chọn môn thi tốt nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, cho biết từ đầu năm học, nhà trường thực hiện cho HS đăng ký lớp theo môn thi tốt nghiệp. Theo số liệu đăng ký, đa số HS vẫn chọn tiếng Anh và các môn khối tự nhiên là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay, HS đang học lớp 12 và thí sinh tự do đều thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến. Thí sinh truy cập hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ để đăng ký dự thi, đăng ký xét công nhận tốt nghiệp. |
Ráo riết ôn luyện, thi thử Trong thời điểm này, các trường THPT ở TP HCM đang cao điểm kiểm tra học kỳ II, thời gian còn lại, các trường sẽ lên kế hoạch ôn thi, thi thử tốt nghiệp, giải các đề minh họa nhằm giúp HS tự tin hơn với vốn kiến thức của mình. Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thành phố sẽ không tổ chức thi thử tốt nghiệp trên quy mô toàn thành phố, mà giao quyền chủ động cho các trường THPT dựa trên tình hình thực tế, điều kiện của từng đơn vị. Hiện các trường đang lên kế hoạch tổ chức ôn thi cho HS, trong đó, nhiều trường THPT lên kế hoạch cho HS thi thử tốt nghiệp. Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Thạnh) dự kiến sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho HS vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, với hình thức y như là một kỳ thi thực tế, nhằm để HS có thể rà soát lại kiến thức, kỹ năng làm bài trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tại Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (Tân Phú), ông Phạm Văn Thảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thông tin trường tổ chức dạy song song giữa chương trình chính khóa và ôn thi cho HS. Mỗi tuần, HS sẽ có 2 buổi chiều ôn tập theo 2 môn tự chọn mà HS đã đăng ký. "Trong các lớp ôn thi, HS sẽ được giáo viên rèn kỹ năng làm bài, giải các đề thi minh họa, đề thi đánh giá năng lực, củng cố kiến thức của các môn thi. Dự kiến là vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, trường cũng có thể tổ chức một kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, nhằm kiểm tra và đánh giá kiến thức của các em trước khi bước vào kỳ thi thật" - ông Thảo nói. Đ.Trinh |
Tác giả: Yến Anh - Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao động