Trong nước

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XII: Không để lọt người không đủ chuẩn

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự nhiệm kỳ XIII".

Ngày 25-12, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XII (Hội nghị Trung ương 9) chính thức khai mạc. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ hội nghị sẽ cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và một số vấn đề quan trọng khác.

Tuyệt đối không thiên vị

Để hội nghị cho ý kiến trọng tâm, trọng điểm, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước đã nêu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

Về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026, công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. "Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài" - Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm một số thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ giúp việc gồm một số Ủy viên Trung ương và cán bộ của các ban Đảng.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước khẳng định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng. "Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực" - Tổng Bí thư - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt. Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch.

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị ngày 25-12 Ảnh: ĐÔNG BẮC

Giới thiệu hơn 200 người để Trung ương cho ý kiến

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết ngay trong tháng 11-2018, tất cả 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo phân bổ cơ cấu, số lượng đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao.

Việc phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch đã bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo; bước đầu đáp ứng cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, địa bàn, lĩnh vực công tác. Các cán bộ được giới thiệu vào quy hoạch đều được địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển.

Trên cơ sở danh sách gần 250 cán bộ được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các ban Đảng Trung ương rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 người. Hiện tờ trình và các tài liệu có liên quan đã được gửi đến các Ủy viên Trung ương và đề nghị Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ tờ trình của Bộ Chính trị trước khi ghi phiếu giới thiệu.

Sau Hội nghị Trung ương, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, của các ban Đảng và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng thẩm quyền và các quy định của Đảng.

Lấy phiếu tín nhiệm dân chủ, khách quan

Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, nhà nước, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.

Quốc hội khóa XIII và khóa XIV đã 3 lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI (tháng 1-2015), cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI.

Tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp những người được lấy phiếu tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ quy định và tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần làm cho việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.

Hôm nay, 26-12, Hội nghị Trung ương 9 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác cán bộ.

Tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 và xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.

Hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Trong buổi sáng ngày làm việc thứ nhất, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Sau bài phát biểu khai mạc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018.

Trong chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn tất lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

Tác giả: Thế Dũng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP