Giáo dục

Học sinh đọc thơ theo ô vuông, tam giác: Giảng viên ngôn ngữ khuyên phụ huynh đừng lo lắng

Thạc sĩ Phạm Hồng Minh, Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình cho rằng, cách đọc theo ô vuông, tam giác, là bài dạy trẻ cách tách lời thành tiếng chứ không phải bài học vần, phụ huynh không cần quá lo lắng.

Video: Bố mẹ choáng váng vì con đọc thơ làu làu bằng ô vuông

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện một số clip chia sẻ việc dạy học sinh tập đọc với phương pháp mới khiến các học sinh chỉ đọc hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần được chữ.

Trong những clip được chia sẻ, phụ huynh đều bày tỏ thái độ bức xúc vì cho rằng phương pháp dạy học có vấn đề khi trẻ chỉ nhìn theo hình tam giác, ô vuông để đọc chứ không hề biết mặt chữ và đánh vần.

Những clip được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người cũng tỏ ra hoang mang trước phương pháp dạy học lạ lẫm này.

Chia sẻ về vấn về này, Thạc sĩ Phạm Hồng Minh – Giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình (Cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội) cho rằng cách đọc theo ô vuông, tam giác là bài dạy trẻ cách tách lời thành tiếng chứ không phải bài học vần. Vì vậy, bà Minh cho rằng phụ huynh không cần quá lo lắng.

Nội dung sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục và một lá "đơn xin nghỉ" học được cho là viết theo phương pháp mới được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook khiến dư luận đang có cách hiểu không đúng về bản chất sự việc.

Theo bà Minh, với phương pháp này, các học sinh đã học thuộc lời trước, mục đích của các hình là để học sinh nhận biết mỗi tiếng mình phát ra tương đương với một hình. Kể cả các học sinh chưa biết những chữ đó, nhưng các học sinh biết lời nói đó có bao nhiêu tiếng. Việc này không liên quan đến việc phương pháp dạy học vần theo âm hay theo chữ.

“Những ngày này ngày ngày thấy mọi người chia sẻ các bài phê phán, lên án phương pháp dạy học vần theo Công nghệ Giáo dục rất nhiều. Nhưng phụ huynh đừng căng thẳng như vậy.

Bố mẹ cứ nghĩ các con bây giờ như mình ngày xưa đi học, như 1 tờ giấy trắng, thầy cô dạy các con sẽ học theo. Ngày xưa, đầu tiên bố mẹ đánh vần "bờ a ba huyền bà". Thì bây giờ các con đánh vần "ba huyền bà". Bởi các con chưa biết "bờ a ba huyền bà" nên các con sẽ không thấy "ba huyền bà" là cách đánh vần lạ”, bà Minh nói.

Còn việc trong sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục có nhiều từ chưa phù hợp với học sinh, theo thạc sỹ Phạm Hồng Minh, có thể là do các tác giả đặt mục tiêu rõ ràng ban đầu là giúp các học sinh đọc thông viết thạo, còn việc dạy nghĩa của từ là ở các lớp sau.

Thạc sỹ Phạm Hồng Minh cũng cho rằng thời gian gần đây có nhiều bài viết không đúng, cố tình làm cho chương trình Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục bị méo mó đi và gây hoang mang cho phụ huynh.

Vì vậy các bậc phụ huynh cần bỏ chút thời gian tìm hiểu, thay vì chia sẻ những bài "chế" Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục thì tìm nhưng clip dạy mẫu để hiểu hơn về chương trình này, và có thể đồng hành cùng con mà không phải cảm thấy bức xúc, hoang mang.

Bà Minh cho rằng dư luận đang hiểu nhầm những hình vuông, tam giác đó là để thay thế cho chữ viết, nên rất nhiều người chia sẻ đơn xin nghỉ học bằng các ô vuông.

“Hiện giờ có rất nhiều bài viết trên mạng xã hội được "sáng tạo" ra và nói là đánh vần theo sách Tiếng Viết 1 – Công nghệ Giáo dục, như bài toán "Cờ cờ cờ" ( tam giác có 3 góc C-K-Q), hay hình ảnh bưu phẩm gửi ghi toàn bằng hình ô vuông, tam giác.

Đây rõ ràng là không hiểu chút nào về Tiếng Viết 1 – Công nghệ Giáo dục. Các bậc phu huynh đừng hoang mang. Các con của các phụ huynh đâu có học kiểu ngớ ngẩn như vậy đâu”, bà Minh chia sẻ.

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP