Thế giới

Hé lộ những chuyến đi khả nghi của cựu điệp viên Nga nghi bị hạ độc

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal từng có những chuyến đi bí mật để gặp các lực lượng tình báo nước ngoài sau khi được Nga phóng thích và chuyển tới Anh sinh sống.

Cựu điệp viên hai mang Skripal bị đưa ra xét xử tại tòa án Moscow năm 2006 (Ảnh: Getty)

Cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh nhân sự trên băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Giới chức Anh cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok được sản xuất từ thời Liên Xô để hạ sát cha con cựu điệp viên. Tuy nhiên, Nga đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc này.

Mặc dù cha con ông Skripal đã qua cơn nguy kịch sau khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, song nghi vấn đầu độc đã khiến quan hệ giữa Nga - Anh nói riêng và Nga - phương Tây nói chung trở nên căng thẳng, dẫn tới việc các bên trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao và không ngừng chỉ trích lẫn nhau.

Trước khi tới Anh định cư, ông Skripal từng là đại tá tình báo quân đội Nga, song bị bắt và giam giữ vì cáo buộc tuồn tin mật cho Anh. Ông được trả tự do và chuyển tới Anh sinh sống sau cuộc trao đổi điệp viên được ví như thời Chiến tranh Lạnh hồi năm 2010. Để củng cố thêm lập trường trong vụ tấn công nghi bằng chất độc hóa học, giới chức Anh đã mô tả ông Skripal như một nạn nhân vô tội - người sống một cuộc đời thầm lặng tại thành phố Salisbury từ sau khi đặt chân tới Anh.

Những chuyến đi nước ngoài

Sergei Skripal khi còn là điệp viên quân đội Nga (Ảnh: BBC)

Tuy nhiên, cuộc sống của cựu đại tá tình báo Nga tại Anh trong những năm gần đây không trôi qua lặng lẽ như vậy. Các quan chức châu Âu giấu tên cho biết nhiều năm trước khi bị tấn công tại Anh cách đây 10 tuần, ông Skirpal từng thực hiện nhiều chuyến đi và tuồn các thông tin mật về Nga cho các điệp viên nước ngoài. Các nguồn tin cho rằng các nhà chức trách Anh không chỉ cho phép mà còn tạo điều kiện cho các cuộc gặp của cựu điệp viên Skripal, một mặt nhằm truyền kinh nghiệm cho các đồng minh, mặt khác nhằm mang lại cho ông Skripal nguồn thu nhập nhất định.

Theo New York Times, ông Skripal từng gặp quan chức tình báo Séc vài lần và tới thăm Estonia năm 2016 để gặp các điệp viên của hai nước này. Tất nhiên các chuyến đi này không bị coi là phạm pháp hay là chuyện bất thường đối với các điệp viên hai mang từng phản bội tổ chức như ông Skripal. Tuy vậy, chúng có nghĩa là ông Skripal đã gặp các điệp viên nước ngoài - lực lượng có thể đang tìm cách phá hoại các hoạt động của Nga tại châu Âu. Điều đó cũng mở ra giả thuyết rằng vụ đầu độc nhằm vào ông Skripal có thể liên quan tới hành vi trả thù.

Không có cách nào để biết chắc chắn rằng các chuyến đi của ông Skripal đã biến ông trở thành mục tiêu của một vụ tấn công, hay liệu chính phủ Nga có biết về các chuyến đi này hay không. Các chuyến đi đều được giữ bí mật và chỉ một vài điệp viên nắm được thông tin này. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ quan chức nào từ cơ quan tình báo của Séc hay Estonia công khai đề cập tới vấn đề này.

Quân nhân Anh vận chuyển băng ghế nơi cha con ông Skripal bị phát hiện bất tỉnh để phục vụ điều tra (Ảnh: EPA)

Khi được hỏi liệu ông Skripal trong những năm gần đây có tiếp xúc với các đặc vụ tình báo ở Tây Ban Nha, nơi ông từng hoạt động như một điệp viên hai mang, hay không, một phát ngôn viên của cơ quan tình báo nước ngoài Tây Ban Nha (CNI) cho biết câu hỏi này “là một lằn ranh đỏ mà chúng tôi không thể vượt qua”.

Ông Skripal đến Prague, Séc vào năm 2012 không lâu sau khi vợ ông qua đời vì bệnh ung thư. Theo một quan chức Séc, mặc dù buồn phiền song ông Skripal vẫn giữ tinh thần ổn định khi gặp các nhân viên của ít nhất một trong 3 cơ quan tình báo của Séc. Trong cuộc gặp ngắn này, ông Skripal đã cung cấp cho tình báo Séc thông tin về các điệp viên của cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) đang hoạt động ở châu Âu.

Thông tin của ông Skripal khi đó được cho là đã lỗi thời do ông nghỉ hưu khỏi GRU từ năm 1999. Mặc dù vậy, các điệp viên Séc vẫn xem đây là các thông tin còn giá trị vì nhiều điệp viên GRU mà ông Skripal từng có thời gian làm việc cùng trong thập niên 90 vẫn còn sống. Những thông tin do cựu đại tá tình báo Nga cung cấp hữu ích tới mức tình báo Séc tiếp tục tìm cách gặp lại ông Skripal và có vài chuyến đi tới Anh trong những năm sau đó.

Các nguồn tin cũng tiết lộ chuyến thăm của ông Skripal tới Estonia, mô tả đây là “thông tin rất nhạy cảm”. Một quan chức cấp cao châu Âu xác nhận ông Skripal đã bí mật gặp một nhóm các sĩ quan tình báo hồi tháng 6/2016 song không rõ nội dung trao đổi giữa hai bên. Quan chức này thậm chí còn nói rằng các cơ quan tình báo Anh đã tạo điều kiện để chuyến thăm này diễn ra.

Mối quan hệ giữa Nga với Estonia và Séc, hai nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây, gắn liền với di sản Chiến tranh lạnh. Việc Estonia chuyển mình mạnh mẽ để khẳng định nền độc lập sau khi Liên Xô tan rã đã khiến Nga “nóng mặt”. Nhiều ý kiến đặt giả thuyết việc “trừ khử” điệp viên Nga có thể là cách để Estonia thể hiện tự tôn dân tộc.

Không phải chuyện hiếm

Cảnh sát xuất hiện bên ngoài căn nhà của ông Skripal tại Salisbury, Anh (Ảnh: AP)

Những chuyến đi ra nước ngoài của ông Skripal, một cựu điệp viên hai mang Nga sống tại Anh, không phải chuyện hiếm gặp. John Sipher, người nghỉ hưu tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 2014 và từng điều hành các chiến dịch ngầm chống Nga, cho biết Mỹ cũng thường xuyên sử dụng các điệp viên đào tẩu Nga để truyền kinh nghiệm cho các đồng minh, song những cuộc gặp này không được tiết lộ để tránh làm Nga nổi giận.

Các chuyên gia cho rằng việc chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thường là cách duy nhất để một cựu điệp viên có thể kiếm sống. Đối với các cựu điệp viên hai mang, nghỉ hưu là quãng thời gian ì trệ và xuống dốc. Chính phủ Anh cũng cấp cho các điệp viên đào tẩu một khoản lương nhất định, song họ than phiền rằng khoản tiền này quá ít. Vào cuối những năm 90, cựu điệp viên Vitor Makarov từng đệ đơn kiện cơ quan tình báo Anh vì điều kiện sống khổ cực, thậm chí cắm lều bên ngoài nơi ở của cựu Thủ tướng Tony Blair để biểu tình phản đối.

“Đó là vấn đề về tâm lý. Họ từng là tâm điểm của sự chú ý, nhưng bây giờ không còn giá trị quan trọng nữa”, Stephen Dorril, tác giả của các cuốn sách về tình báo Anh, nhận định.

Theo cựu sĩ quan CIA Sipher, Điện Kremlin có lẽ cũng không bận tâm đến việc các cựu điệp viên như ông Skripal có thể tiết lộ những thông tin lỗi thời về Nga với các lực lượng tình báo nước ngoài. Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra đó là, ông Skripal có thể được sử dụng cho mục đích khác, chẳng hạn chiêu mộ thêm các điệp viên mới của Nga cho phương Tây.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP