Kinh tế

Hàng trăm triệu cổ phiếu của tỷ phú Việt đang thế chấp ngân hàng

Việc các lãnh đạo doanh nghiệp lớn thế chấp cổ phiếu có thể để phục nhu cầu cá nhân, tuy nhiên phần lớn để làm tài sản đảm cho khoản vay của một bên thứ ba.

Theo báo cáo tài chính công bố, tới cuối năm ngoái, nhiều ngân hàng thương mại đã nhận thế chấp lượng lớn cổ phiếu BAV của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thuộc sở hữu của tập đoàn FLC và vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết.

Cụ thể, OCB đã nhận thế chấp 5,06 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu cá nhân của ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp, cùng với 13 triệu cổ phiếu BAV do Tập đoàn FLC sở hữu để bảo đảm cho cho khoản vay 108 tỷ của FLCHomes.

Tại Sacombank, ông Trịnh Văn Quyết cũng thế chấp 57,5 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu cá nhân để đảm bảo cho khoản vay gần 400 tỷ đồng có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi.

Vợ chồng ông Quyết cũng thế chấp 30 triệu cổ phiếu BAV tại NCB để đảm bảo cho khoản vay gần 200 tỷ đồng với mục đích bổ sung vốn lưu động cho FLCHomes. Ngoài ra, khoản vay này cũng được đảm bảo bới 30 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu tại Tập đoàn FLC.

Theo giấy phép kinh doanh vận chuyển số 01/2021 do Bộ GTVT cấp, vốn điều lệ của Bamboo Airways là 7.000 tỷ đồng. Trong đó, FLC góp hơn 3.586 tỷ đồng, tương đương 51,24%. Cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, góp hơn 2.802 tỷ đồng, tương đương 40,03%. Các cổ đông khác góp hơn 610 tỷ đồng, tương đương 8,73%.

Tính đến ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 56,5% - tương đương 904 triệu cổ phiếu Bamboo Airways. Trong tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, tuy nhiên tỉ lệ nắm giữ của ông Quyết sau khi phát hành thêm cổ phiếu không được công bố.

Tại Sacombank, ông Trịnh Văn Quyết cũng thế chấp 57,5 triệu cổ phần BAV thuộc sở hữu cá nhân để đảm bảo cho khoản vay gần 400 tỷ đồng có thời hạn 15 năm.


Mở rộng ra từ đầu năm 2020, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã thế chấp 338,8 triệu lượt cổ phần BAV ở Sacombank, 236,74 triệu lượt cổ phần BAV ở OCB, 232 triệu lượt cổ phần ở NCB.

Sau sự việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, cả 3 ngân hàng trên đều khẳng định việc thế chấp cổ phiếu, tài trợ tín dụng đều được tiến hành tuân thủ quy định pháp luật, cổ phiếu chỉ là tài sản đảm bảo bổ sung cho các khoản vay.

Việc lãnh đạo doanh nghiệp thế chấp cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình là phổ biến, có thể để phục nhu cầu cá nhân, tuy nhiên phần lớn để làm tài sản đảm cho cho khoản vay của một bên thứ ba.

Tới cuối năm ngoái, ông Đoàn Nguyên Đức đã dùng hơn 44,9 triệu cổ phiếu HAG để bảo lãnh cho các khoản vay trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai do BIDV là trái chủ. Số trái phiếu này cũng được đảm bảo bằng hơn 13 triệu cổ phiếu HNG do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sở hữu cùng nhiều bất động sản, tài sản khác. Tại TPBank, ông Đức dùng 50 triệu cổ phần HAG để đảm bảo cho khoản vay 300 tỷ nhằm mục đích thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức đã dùng hơn 44,9 triệu cổ phiếu HAG để bảo lãnh cho các khoản vay trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai do BIDV là trái chủ.


Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Hòa Phát cũng cho biết một số khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp này được thế chấp bằng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên trong Hội đồng quản trị. Trước đó, năm 2019, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã dùng 100 triệu cổ phiếu HPG để bảo lãnh cho khoản vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank.

Hay ở Vingroup, vợ chồng Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng từ đầu năm 2017 tới nay đã thế chấp tại các định chế tài chính quốc tế hơn 600 triệu lượt cổ phiếu VIC.

Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - pháp nhân thuộc sở hữu của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng cũng thế chấp hàng trăm triệu lượt cổ phần khác; gần đây nhất, ngày 14/3/2022 đã thực hiện thế chấp 116 triệu cổ phiếu VIC tại CTCP Sản xuất và Kinh doanh Vinfast.

Tác giả: Hoa Liên

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP