Tin địa phương

Giám sát và phản biện là động lực phát triển thành phố

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15-6-2017 (gọi tắt là Nghị quyết số 403), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải cho biết: Trước yêu cầu phát triển thành phố, Mặt trận phải chủ động vào cuộc giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH) để công tác này trở thành một trong những động lực phát triển thành phố.

Giám sát và phản biện là động lực phát triển thành phố. Ảnh: S.TRUNG

* Thưa ông, trước đây, công tác GS&PBXH của Mặt trận đã được quy định tại Quyết định 217-QĐ/TW, nay việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 403 có ý nghĩa như thế nào?

- GS&PBXH không phải là việc mới đối với Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp thành phố. Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành các Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW về quy chế GS&PBXH và việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận và các tổ chức thành viên, cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố đã chủ động triển khai thực hiện ngay.

Qua 3 năm thực hiện, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động GS&PBXH có hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Công tác này ngày càng đi vào chiều sâu và đang trở thành xu thế, một nhu cầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng năng động và bền vững.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 403 quy định chi tiết các hình thức GS&PBXH của Mặt trận nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015, cụ thể hơn về các căn cứ để tổ chức GS&PBXH; các hình thức, trình tự tổ chức GS&PBXH; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan và kinh phí bảo đảm cho hoạt động này.

Hiện nay, GS&PBXH đang là vấn đề cấp bách trước yêu cầu phát triển thành phố năng động hơn. Mặt trận thành phố vì thế phải chủ động vào cuộc GS&PBXH để công tác này trở thành một trong những động lực phát triển thành phố.

* Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ làm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động này nhằm khẳng định GS&PBXH là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình phát triển của thành phố, thưa ông?

- Đối với Đà Nẵng, chúng ta đều thấy thành phố luôn có sự năng động trong phát triển; năng động cả trong tiếp thu, đưa chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, ngay khi Bộ Chính trị ban hành các Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW, Thành ủy đã chủ động ban hành quy chế GS&PBXH của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Việc này cho thấy GS&PBXH là vấn đề rất cần thiết, rất bức xúc đối với yêu cầu phát triển năng động của thành phố.

Đảng đoàn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức triển khai ngay Nghị quyết số 403 và các văn bản có liên quan trong hệ thống Mặt trận từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, cũng đã gửi văn bản đến Thường trực HĐND thành phố và UBND thành phố đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 403. Với nghị quyết này, Mặt trận các cấp của thành phố phải chủ động phối hợp cùng các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch GS&PBXH hằng năm.

Riêng Mặt trận thành phố đã và đang rất chủ động cho công tác này. Cụ thể, từ đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã họp với các tổ chức thành viên xác định 7 vấn đề để giám sát và đã được Thành ủy đồng ý cho triển khai thực hiện. Về PBXH, Mặt trận chủ động lựa chọn vấn đề và yêu cầu chính quyền gửi các đề án, chủ trương liên quan đến sự phát triển của thành phố, liên quan đến đời sống nhân dân để phản biện.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng, hiệu quả GS&PBXH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chú trọng kiện toàn, duy trì hoạt động 4 Hội đồng tư vấn trên các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ động tập hợp, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tham gia góp ý đối với những nội dung, vấn đề mà Mặt trận tổ chức GS&PBXH.

Mặt trận còn có trách nhiệm theo dõi kết quả hậu giám sát, hậu phản biện xem ý kiến của mình được tiếp thu ở mức độ nào. Nếu không được tiếp thu, phải yêu cầu đối tượng được GS&PBXH trả lời lý do có thuyết phục.

* Thưa ông, Nghị quyết số 403 quy định ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động GS&PBXH của Mặt trận. Bên chịu sự giám sát, phản biện phải bảo đảm kinh phí hoạt động GS&PBXH cho bên GS&PBXH, liệu việc này có mâu thuẫn?

- Kinh phí hoạt động GS&PBXH của Mặt trận và các tổ chức thành viên được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước. Quy định này đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 337/2016/TT-BTC về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động GS&PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Theo tôi, không có gì là mâu thuẫn trong việc bảo đảm kinh phí GS&PBXH bởi việc này chỉ có làm cho Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Mỗi chủ trương, chính sách đưa ra GS&PBXH đều được hoàn thiện hơn, tạo sự đồng thuận xã hội khi triển khai vào thực tiễn cuộc sống.

* Cảm ơn ông.

Trong 3 năm chủ động, sáng tạo thực hiện các Quyết định 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW, Mặt trận các cấp thành phố đã đạt được nhiều kết quả, nhất là trong công tác giám sát về đền bù, bố trí tái định cư. Một số nội dung nổi bật là:

Từ một vụ việc nhỏ ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Mặt trận thành phố đã giám sát, phát hiện việc “giấu đất”, không công khai 1.400 lô đất tái định cư trong khi thành phố trong tình trạng thiếu đất tái định cư và phải bỏ hàng tỷ đồng cho hộ giải tỏa thuê nhà. Qua giám sát đối với việc đền bù giải tỏa dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đã nâng mức đền bù cho nhân dân từ 50 triệu đồng/sào đất lên 100 triệu đồng/sào đất. Qua giám sát của Mặt trận, thành phố đã có chính sách hỗ trợ nông dân có đất nông nghiệp không sản xuất với mức 3.000 đồng/m²... Mặt trận đã giám sát có hiệu quả việc cấp thẻ BHYT, tặng quà Tết hằng năm cho hộ nghèo, hoạt động cứu trợ sau bão lụt. Ngoài ra, Mặt trận còn giám sát có hiệu quả việc thực hiện đề án xóa nghèo, thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”... Về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận đã tổ chức giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên về sinh hoạt tại khu dân cư. Về phản biện, Mặt trận đã phản biện một số đề án của thành phố có hiệu quả.

"Theo kinh nghiệm đúc kết của Mặt trận thành phố, để giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả, phải đáp ứng được các nguyên tắc: Phải có sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy và cấp ủy các cấp, sự phối hợp của các cấp chính quyền, sự thống nhất của các sở, ban, ngành, tính công khai, minh bạch trong quá trình giám sát và phản biện xã hội và cuối cùng là sự hưởng ứng của nhân dân”

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Đăng Hải

Tác giả: SƠN TRUNG

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP