Trong nước

Giám đốc sở có thể được bố trí làm Bí thư xã, phường sau sáp nhập

Sau khi bỏ cấp huyện, hình thành đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập, công tác bố trí cán bộ chủ chốt rất được quan tâm.

Ngày 28-4, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin công tác quý I/2025, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đã trả lời báo chí vấn đề về tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã, phường sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo ông Phan Trung Tuấn, có thể bố trí Giám đốc sở làm Bí thư xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện

Theo ông Tuấn, quá trình xây dựng các đề án, vấn đề nhân sự, bố trí cán bộ được Đảng ủy Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng để báo cáo cấp có thẩm quyền. Đại diện Bộ Nội vụ cho biết Bộ Chính trị đã có Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới (Kết luận 150).

Với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ông Phan Trung Tuấn cho biết các địa phương, cụ thể là UBND cấp tỉnh, sẽ quyết định về việc bố trí cán bộ của xã, phường sau sáp nhập.

"Có thể bố trí Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở hiện nay làm Bí thư xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc bố trí cán bộ như thế nào, phương án sắp xếp ra sao sẽ do cấp tỉnh quyết định trên cơ sở định hướng, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền"- ông Phan Trung Tuấn nêu rõ.

Về dài hạn, ông Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đang hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), trong đó đề xuất một hệ thống công vụ thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, sẽ có hệ thống tiêu chuẩn chức vụ, chức danh thống nhất, bao gồm cán bộ cấp xã, phường.

Sau khi luật ban hành, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định tiêu chuẩn cụ thể về chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Hiện nay, vẫn thực hiện theo Nghị định số 33 của Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Tại Kết luận 150, Bộ Chính trị nêu rõ việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy (trước và sau hợp nhất, sáp nhập) và các cơ quan chức năng theo quy định.

Phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập bao gồm các cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh đương nhiệm; đối với cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thưởng vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Ngày 23-4 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thành lập tổ chức đảng tương ứng tại các đơn vị hành chính địa phương sau sáp nhập. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy sau khi các địa phương hoàn thành sáp nhập.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP