Kinh tế

EVN nộp ngân sách giảm dù lãi đậm: Điều không bình thường...

Sản lượng điện thương phẩm EVN tăng cao nhưng tổng doanh thu tăng không tương xứng, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng rất cao.

Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 và 3 năm gần nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP về việc công bố thông tin doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu năm 2017 của EVN đạt 299.346 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của EVN đạt 6.593 tỷ đồng, tăng tới 28%.

Dù lãi đậm trong năm 2017 nhưng số tiền nộp ngân sách của EVN lại giảm so với năm 2016. Cụ thể, tập đoàn nộp ngân sách 19.666 tỷ đồng năm 2017, giảm 7,3% so với năm 2016.

Xem xét bản báo cáo của EVN, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá đây là một báo cáo đẹp với các chỉ tiêu kết quả sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng, dù ít hay nhiều.

Theo đó, các thông tin và con số về hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của EVN trong 3 năm, từ sản xuất điện và cung ứng điện đến đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện, lợi nhuận, tổng doanh thu... đều cho thấy EVN đang làm ăn tốt.

Đáng lưu ý, mức đầu tư phát triển của EVN trong năm 2017 so với năm 2016 và 2015 có giảm đi trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp và nguồn vốn vay đều đang giảm đi, trong khi nguồn vốn khác đang tăng lên.

Một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của EVN trong 3 năm 2015-2017

Ông Thịnh đẳng định đây là tín hiệu tốt, cho thấy đầu tư phát triển của EVN đang đi đúng hướng, dần tách khỏi bầu sữa ngân sách.

"Ngay cả vốn vay theo báo cáo năm 2017 đã giảm đi rõ rệt so với các năm 2015-2016. Đây là điều rất tốt, phản ánh quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết giảm thiểu bảo lãnh cho vay của ngân sách nhà nước với DNNN. Nó cũng đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ vốn vay của các DNNN trong đầu tư phát triển để từ đó làm giảm nợ vay của các doanh nghiệp này", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Đối với sự tăng trưởng về tổng doanh thu của EVN, PGS Thịnh cho hay, sự kiện tăng giá điện từ 1/12/2017 với mức 6,08% đã đóng góp vào việc tăng tổng doanh thu của tập đoàn này. Tuy nhiên, với mức tăng 6,08% và việc tăng giá điện rơi vào tháng cuối cùng của năm 2017, doanh thu tập đoàn có được từ tăng giá điện là không đáng kể (bình quân 0,5%/tháng).

Một điểm khác, mức nộp ngân sách của EVN trong năm 2017 giảm so với năm 2016, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng tới 28% so với năm 2016, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, là điều bình thường.

Lý giải cho nhận định này, ông cho biết, tiền nộp ngân sách không chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn bao gồm rất nhiều khoản, trong đó có cả tiền có được nhờ thoái vốn ngoài ngành, bán cổ phần của doanh nghiệp cho các khu vực kinh tế khác, tiền bán sản phẩm, thanh lý sản phẩm không cần thiết của ngành điện...

"Nếu so với năm 2016, nộp ngân sách của EVN năm 2017 có giảm (19.666 tỷ đồng/21.205 tỷ đồng), nhưng nếu so với con số của năm 2015 (15.648 tỷ đồng) thì vẫn lớn hơn nhiều. Do đó, không có vấn đề gì trong việc nộp ngân sách này", ông Thịnh nói.

Tương tự, tổng quỹ lương của EVN năm 2017 tăng lên so với năm 2016 trong khi số lao động giảm đi, theo vị chuyên gia, cũng là điều bình thường.

Theo đó, theo quyết định về tăng lương hàng năm thông thường đều có tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức, cả trong khu vực sản xuất lẫn hành chính sự nghiệp. Mức tăng hàng năm khoảng 7-8%. Ở đây, mức tăng của tổng quỹ lương so với năm 2016 không phải là nhiều (5,2%).

Trong khi đó, tổng lao động của EVN năm 2017 giảm đi so với năm 2016 (1.318 người) nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn tốt, không ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất và điện thương phẩm,chứng tỏ trước đây việc sử dụng lao động của doanh nghiệp không mấy hiệu quả.

Vì vậy, ông Thịnh cho rằng, việc bố trí, sắp xếp lại lực lượng lao động trong EVN vẫn là việc cần quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Điều vị chuyên gia thấy có chút không bình thường trong báo cáo của EVN, đó là sản lượng điện thương phẩm của EVN tăng lên qua các năm, năm 2017 tăng 9,3% so với năm 2016, trong khi đó tổng doanh thu tăng lên không nhiều (7,8%), còn lợi nhuận trước thuế của tập đoàn lại tăng lên tới 28%.

"Rõ ràng, sản lượng điện thương phẩm tăng không tương xứng với tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Sản lượng điện thương phẩm quyết định đến mức lợi nhuận trước thuế và sau thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo ở đây thì lợi nhuận trước thuế tăng lên rất nhiều.

Khoản lợi nhuận năm 2017 của EVN có thể tăng lên do ảnh hưởng của tháng cuối năm khi tăng giá điện, nhưng như đã nói ở trên, chỉ có 1 tháng thì tác động không phải là nhiều.

Vậy tại sao lợi nhuận trước thuế của EVN năm 2017 lại tăng cao như thế? Đây là vấn đề cần phải làm rõ. Tập đoàn EVN bán cái gì khác nữa để có mức lãi đậm như trên?

Có thể EVN có thêm nguồn thu từ việc bán cổ phần, cổ phiếu, những thu nhập ngoài sản xuất kinh doanh chính. Điều này có thể tác động đến lợi nhuận.

EVN cần làm rõ lợi nhuận đến từ đâu. Bản báo cáo này chưa thể hiện được điều đó. Báo cáo có nói đến việc tập đoàn thoái vốn chỗ nọ, chỗ kia, nhưng không cho biết cụ thể việc thoái vốn thắng/thua thế nào; hay việc bán cổ phần công ty nọ, công ty kia cũng không được đề cập cụ thể", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

  Từ khóa: nộp ngân sách giảm , EVN

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP