Giáo dục

Đuối sức vì dịch, rao bán trường mầm non

Hơn nửa năm phải đóng cửa trường vì dịch COVID-19, nhiều chủ đầu tư của trường, nhóm lớp mầm non tư thục tại TPHCM đã quá đuối sức, đành phải rao bán, sang nhượng trường. Nhiều giáo viên phải chuyển sang bán hàng online để kiếm sống qua ngày…

Nhiều chủ trường mầm non phải rao bán, sang nhượng trường vì dịch bệnh COVID-19

Chị An Nhiên, chủ một cơ sở mầm non tư thục tại huyện Bình Chánh (TPHCM), sau nhiều tháng cầm cự đã buộc phải quyết định sang nhượng trường. Chị Nhiên kể, cách đây hơn 2 năm, chị mở trường mầm non tư thục; thời gian đầu, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Nhưng vì đam mê và nỗ lực của cả tập thể nhà trường, phụ huynh bắt đầu tin tưởng và gửi con nhiều hơn, có thời điểm số học sinh của trường vượt 100.

Theo chị Nhiên, ở những đợt dịch trước, dù vẫn phải đóng cửa trường nhưng do thời gian giãn cách xã hội ngắn nên sớm phục hồi. “Còn ở đợt này, tính đến nay đã 7 tháng và chưa biết bao giờ trường học mới được mở cửa trở lại nên tôi đành phải sang nhượng trường”, chị nói. Mỗi tháng trung bình chị phải bỏ ra không dưới 30 triệu đồng để duy trì trường. May mắn, chị vay được của người nhà nhưng rồi cũng đành buông tay vì không đủ sức để trụ.

Tương tự, chị Hoàng Nguyễn mở một nhóm lớp mầm non tư thục hồi tháng 8 năm ngoái, nhưng nay cũng phải sang nhượng. Chị Hoàng Nguyễn cho biết, nhóm lớp mầm non của chị có cơ sở vật chất đầy đủ, diện tích rộng rãi, có sân chơi, hợp đồng nhà còn tới 4 năm. Giá sang nhượng là 180 triệu đồng, bao gồm 60 triệu đồng tiền đặt cọc nhà. Chị đã đăng quảng cáo từ 2 tháng trước nhưng vẫn chưa kiếm được người. “Lâu nay cũng có người đến coi, nhưng ép giá sang chỉ hơn 100 triệu đồng, không đủ vốn chị bỏ ra đầu tư”, chị Hoàng Nguyễn nói.

“Đóng cửa liên tục nhiều tháng liền, lại phải gánh các khoản chi phí lớn khiến nhiều trường mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ, phá sản…”, cô Nguyễn Hoàng Lăng Viên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Đức (quận 12), nói. Cô Viên cho biết, Trường Mỹ Đức hiện có 2 cơ sở, dù nhiều tháng qua không hoạt động, nhưng trường cũng phải chi hàng trăm triệu đồng, chủ yếu trả tiền mặt bằng, ngoài vay mượn tiền người thân để trang trải tiền mặt bằng, bản thân cô còn phải bán hàng online để kiếm sống. “Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, tôi phải chuyển hướng sang bán hàng online. Mặt hàng đa dạng từ trái cây, rau củ quả cho đến bánh, kem tự tay làm… để trang trải cho cuộc sống và chờ ngày mở cửa trường”, cô nói.

Từ ngày trường đóng cửa, giáo viên mầm non Trần Thị Hoa (ngụ quận 12) chuyển sang bán hàng online để kiếm thu nhập nuôi hai con nhỏ.

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm học mới 2021 - 2022 có 151 cơ sở giáo dục mầm non (124 nhóm trẻ, 27 trường) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học. Đầu tháng 10 do không trụ nổi trước đại dịch, gần 100 chủ trường mầm non tại TPHCM đã có thư kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp. “Với áp lực từ tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ giáo viên, nhân viên, nếu tình hình ngưng hoạt động tiếp tục kéo dài thì sẽ có nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục buộc phải đóng cửa”, thư kiến nghị nêu.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết, dịch bệnh xảy ra, các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn về thuê mặt bằng, vay ngân hàng để đầu tư, trả lương để giữ chân đội ngũ. UBND TPHCM đã giao Sở GD&ĐT chủ trì và Sở đang kiểm tra chế độ, chính sách mà các trường có thể được hưởng, sẽ có những kiến nghị nhất là về lãi suất vay vốn ngân hàng…

Tác giả: NGUYỄN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP