Bạn cần biết

Được coi là "tinh hoa" của mùa lạnh, nhưng lẩu lại "đại kỵ" với những người này

Lẩu là món ăn quen thuộc và được yêu thích bởi nhiều người, đặc biệt là trong những ngày se lạnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ẩn sau sự hấp dẫn ấy là những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe, đặc biệt là với một số đối tượng.

Người bị đau dạ dày

Người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng cần tuyệt đối tránh xa lẩu, đặc biệt là lẩu cay. Nước lẩu thường chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, kích thích dạ dày tiết acid, gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Thực phẩm nhúng lẩu thường không được nấu chín kỹ, dễ gây khó tiêu, đầy bụng, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Việc ăn lẩu trong thời gian dài, vừa ăn vừa trò chuyện khiến dạ dày phải làm việc liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, làm tình trạng viêm loét thêm trầm trọng.

Viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích

Lẩu cũng là món ăn cần tránh đối với những người bị viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích. Các loại gia vị cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ trong lẩu có thể kích thích đường ruột, gây co thắt, đau bụng, tiêu chảy, làm nặng thêm triệu chứng của bệnh. Một số loại hải sản, nấm, rau củ thường dùng trong lẩu có thể gây dị ứng hoặc khó tiêu đối với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, gây đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa.

Không phải ai cũng có thể ăn lẩu thoải mái. Ảnh: Getty Images

Phẫu thuật đường tiêu hóa

Những người mới phẫu thuật đường tiêu hóa cần kiêng lẩu trong thời gian đầu sau phẫu thuật. Nguyên nhân là hệ tiêu hóa sau phẫu thuật còn yếu, cần thời gian để phục hồi. Việc ăn lẩu có thể gây kích ứng, làm chậm quá trình lành vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Người bị bệnh gout

Người bị bệnh gout cần hạn chế tối đa việc ăn lẩu, đặc biệt là lẩu hải sản. Hải sản, nội tạng động vật, nước dùng đậm đặc từ xương... chứa nhiều purin. Purin khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric, làm tăng nguy cơ lắng đọng tinh thể urat tại các khớp, gây cơn gút cấp, sưng đau, viêm khớp

Người bị tiểu đường

Lẩu là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người bị tiểu đường. Nước lẩu thường chứa nhiều đường, tinh bột, làm tăng đường huyết sau ăn, gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh. Việc ăn nhiều thịt đỏ, hải sản trong lẩu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, vốn là biến chứng thường gặp ở người tiểu đường. Người tiểu đường cần kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, trong khi việc ăn lẩu thường khó kiểm soát khẩu phần, dễ dẫn đến ăn quá nhiều, gây tăng đường huyết.

Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn lẩu. Ảnh: Istock

Người mắc bệnh tim mạch và huyết áp cao

Người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao cần thận trọng khi ăn lẩu. Lẩu thường chứa nhiều natri từ muối, nước mắm, gia vị... làm tăng huyết áp, gây nguy hiểm cho người bệnh. Đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ trong lẩu làm tăng cholesterol xấu, gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Người bị bệnh gan

Người bị bệnh gan, đặc biệt là viêm gan, xơ gan cần hạn chế ăn lẩu. Gan là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển hóa và giải độc cho cơ thể. Việc ăn lẩu với nhiều thực phẩm khó tiêu, đồ ăn chế biến sẵn, gia vị... làm tăng gánh nặng cho gan, khiến tình trạng bệnh thêm nặng. Rượu, bia thường được dùng kèm khi ăn lẩu càng gây hại cho gan, làm tăng nguy cơ viêm gan, xơ gan.

Trẻ em

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, không nên ăn lẩu. Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dễ bị kích ứng bởi gia vị cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ trong lẩu, gây đau bụng, tiêu chảy. Trẻ nhỏ dễ bị bỏng do nước lẩu nóng, hoặc hóc khi ăn các loại thực phẩm nhúng lẩu.

Tác giả: CTV Thu Phương

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP