Thế giới

Đối đầu "thù trong giặc ngoài", Mỹ buộc phải tìm đến Nga?

Trước áp lực về chính trị trong nước, cùng với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, Mỹ đang ngỏ ý mời Nga cùng hợp tác.

Triều Tiên muốn phát triển năng lực tên lửa hạt nhân cân bằng với Mỹ.

Moscow mới là người nắm quân cờ mấu chốt?

Lập trường ngày càng cố chấp của Trung Quốc đang biến Nga trở thành đối tác ngoại giao ưu tiên trong giải quyết vấn đề Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đặc biệt giữa thời điểm ông chủ Nhà Trắng đang lao đao trước những áp lực trong nước.

Quan hệ chặt chẽ của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã trở nên căng thẳng kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tục có những động thái thử tên lửa và hạt nhân gây quan ngại trong thời gian gần đây.

Kể từ đó, hai đồng minh “như môi và răng” đã ngày càng xa cách hơn mà đỉnh điểm là việc Trung Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đáp trả lại chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Nhưng về cơ bản, Trung Quốc vẫn là láng giềng truyền thống thân thiện của Triều Tiên. Do đó, để nước này tiếp tục gây ra các áp lực mạnh hơn nữa theo ý muốn của Mỹ, là điều khó có thể xảy ra.

Trong khi Moscow lại cho thấy, họ đang dần trở thành một thế lực mạnh mẽ trong khu vực và muốn tham gia nhiều hơn vào vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Nga không chịu tác động trực tiếp nếu một cuộc xung đột ở vùng Đông Bắc Á xảy ra nhưng nước này không tránh khỏi những liên lụy và tổn hao lợi ích về mặt địa chính trị.

Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du châu Á vào đầu tháng 11 tới tới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mối quan ngại về Bình Nhưỡng sẽ là chương trình nghị sự đáng chú ý nhất trong chuyến đi của ông. Đây được coi là sự kiên nhẫn cuối cùng của nhà lãnh đạo Mỹ để đón chờ một câu trả lời cụ thể từ phía Bắc Kinh.

Một khi chính quyền Trump bất lực trong việc gây sức ép lên Trung Quốc, Washington dự kiến sẽ phải tìm đến Nga như một giải pháp bù đắp.

“Nga có thể đóng một vai trò ngoại giao hữu ích”, ông Joseph Yun, đặc phái viên cao cấp của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Mặc dù Nga nói rằng, Mỹ không nên tìm đến giải pháp tấn công Triều Tiên, họ có thể mang đến sự giúp đỡ tốt hơn bất kỳ ai”.

Yun cho biết, ông và Ngoại trưởng Rex Tillerson muốn Moscow hỗ trợ các chiến dịch gây áp lực quốc tế đối với Triều Tiên bằng cách thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tham vấn cho quốc gia châu Á tham gia vào các nỗ lực ngoại giao.

Washington cũng muốn ngăn lại tình trạng chuyển giao công nghệ vũ khí, khi có những nghi vấn cho rằng Bình Nhưỡng có thể nắm được kỹ thuật động cơ tên lửa thông qua các mạng lưới giao dịch bất hợp pháp ở Nga hoặc Ukraine.

Bà Choe Son-hui đang có những cuộc gặp với giới ngoại giao Nga.

Giống như Trung Quốc, Nga đã kêu gọi một giải pháp hòa bình như giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump thay vì các lời hùng biện đối đầu nhau và đe dọa gây chiến. Cùng với đó, Moscow ngày càng thể hiện nước này là một đối tác trung gian đầy tiềm năng.

Đằng sau những cuộc gặp Nga - Triều Tiên

Choe Son-hui, người đứng đầu văn phòng Bắc Mỹ thuộc bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, đã đến thăm Moscow hai lần trong tháng qua. Gần đây nhất, bà đã gặp gỡ các chuyên gia người Mỹ và một nhà ngoại giao Nga trong một sự kiện tại quốc gia này.

Đặc phái viên cao cấp của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun nói rằng Nga và Triều Tiên đang giao tiếp với nhau và đó là tín hiệu tốt.

Suzanne DiMaggio, chuyên gia người Mỹ có buổi gặp với bà Choe, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào tất cả các nhân tố quan trọng trong cuộc khủng hoảng hiện tại, duy nhất chỉ có Moscow có mối quan hệ làm việc với Bình Nhưỡng”.

“Moscow dường như định vị bản thân để đóng một vai trò trung gian”, bà nói thêm.

Bà Choe nói với hội nghị rằng Triều Tiên muốn phát triển khả năng hạt nhân và tên lửa của mình cho đến khi họ đạt được “sự cân bằng quyền lực” với Mỹ. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Triều Tiên cho thấy một động thái tích cực khi nói muốn giữ một kênh liên lạc mở.

Theo giới phân tích, đây là cánh cửa để Nga có thể kết nối với quốc gia hạt nhân châu Á một cách gần gũi hơn và Mỹ sẽ cần một người ở giữa giống như Moscow, để tiết chế bớt lập trường cứng rắn của mình.

Dẫu vậy, tầm quan trọng ngày càng tăng của Nga đối với Mỹ lại diễn ra vào một thời điểm quan hệ hai nước lại rơi xuống mức độ tồi tệ khác.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/10 cảnh báo, các nước và các công ty trên toàn thế giới có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen nếu họ có quan hệ kinh doanh với một số công ty của Nga. Ngoài ra, cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái đang bước vào những diễn biến kịch tính mới.

Andrei Lankov, một học giả Nga chuyên về chính sách Triều Tiên tại đại học Kookmin ở Seoul, cho biết Moscow muốn tránh một cuộc xung đột và củng cố uy tín của mình trên trường quốc tế.

HR McMaster - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, gần đây cũng đề cập đến tầm quan trọng của Nga với Triều Tiên, nói rằng quốc gia này đang duy trì “ảnh hưởng đáng kể”.

Tại một diễn đàn an ninh tuần trước, ông đã kêu gọi Moscow giúp “thuyết phục chính quyền Kim Jong-un tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo để tránh những hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, câu chuyện về việc Washington-Moscow có bắt tay nhau hay không sẽ còn phụ thuộc vào quan điểm của Tổng thống Trump sau kết quả chuyến công du châu Á tháng 11.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: công du , căng thẳng , Nga , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP