Kinh tế

Doanh nghiệp Việt đang tồn hơn 760.000 tấn gạo trong kho

Con số này được Hiệp hội lương thực Việt Nam thống kê đến tháng 1/2018 tại kho các doanh nghiệp thành viên của mình.

Lượng gạo tồn kho còn lớn. Ảnh: VTV

Theo Hiệp Hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 12/2017, cả nước xuất khẩu được trên 570.000 tấn gạo, tăng gần 38,6% so với cùng kỳ năm 2016; đạt trị giá FOB 266,2 triệu USD, giá CIF là trên 268 triệu USD. Mức giá bình quân FOB đạt 462,6 triệu USD cho mỗi tấn, tăng 4,78 USD/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tính đến hết năm 2017, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 6,4 triệu tấn gạo. Trong đó, số lượng gạo giao đến ngày 31/12/2017 là gần 5,8 triệu tấn. Số còn lại là hợp đồng chưa giao hàng với hơn 600.000 tấn.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội tính đến tháng 1/2018, số lượng gạo gồn trong kho của các doanh nghiệp vào khoảng 764.000 tấn. Trong đó, Tổng công ty lương thực Miền Nam là gần 209.000 tấn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc gần 107.000 tần. Số còn lại là của các doanh nghiệp khác thuộc hiệp hội.

Một tin vui với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam mới đây là phía đối tác Indonesia ra thông báo sẽ nhập khoảng 500.000 tấn gạo từ hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan.

Theo Bộ Công Thương, hôm 15/1, Tổng cục Hậu cần quốc gia Indonesia (BULOG) mới đây công bố thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo trắng (0-5% tấm và 5-25% tấm) từ tất cả các nước, mở thầu theo hình thức G2P cho tất cả các nhà thầu quan tâm trong nước và nước ngoài. Xuất xứ gạo của vụ mùa xay xát năm 2017/2018 không quá 6 tháng. Giá dự thầu tính theo USD/MT, theo điều kiện giao hàng CFR –FO cảng Indonesia. Giao hàng muộn nhất ngày 28/2.

Theo tờ The Jakarta Post, Bộ trưởng Thương Mại Enggartiasto Lukita cho biết chính phủ sẽ nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan nhằm hạ nhiệt tình hình giá gạo trong nước do tình trạng thiếu nguồn cung.

Giá gạo nước này tăng 4% trong giai đoạn từ 11/1 đến ngày 8/11 lên mức 11.900 rupee/kg, theo dữ liệu từ Ngân hàng Indonesia. Giá gạo chất lượng trung bình loại 1 (chủ yếu tiêu thụ bởi người có thu nhập trung bình và thấp) thậm chí tăng 4,4% lên 12.050 rupee/kg.

Hiện chính phủ nước này đang áp dụng mức giá trần 9.450 rupee/kg (tương đương 70 cent Mỹ) đối với gạo chất lượng trung bình khu vực Java, Lampung, Nam Sumatra, Bali, Tây Nusa Tenggara and Sulawesi. Đối với gạo từ các khu vực Sumatra, Kalimantan and East Nusa Tenggara mức giá trần là 9.950 rupee/kg.

Tác giả: H.Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP