Giáo dục

Định dạng đề thi mới tăng độ chính xác kết quả thi

Để các nhà trường chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố cấu trúc định dạng đề thi mới.

Sự thay đổi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ làm thay đổi cách dạy và học ở trường phổ thông mà còn được kỳ vọng là cơ sở tin cậy để xét tuyển đại học.

Thay đổi tư duy kiểm tra, đánh giá

Ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở với các câu hỏi được đóng góp từ nhiều nguồn, bao gồm đề khảo sát của sở GD-ĐT, đề thi của trường và đề kiểm tra học kỳ... Đây là sự thay đổi quan trọng giúp nâng cao chất lượng và tính đa dạng của câu hỏi, phù hợp với thực tiễn giảng dạy. Các câu hỏi tốt sẽ được lựa chọn và đánh giá kỹ lưỡng bởi đơn vị đánh giá chất lượng để bảo đảm tính chuẩn hóa.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2024.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều địa phương đã nhanh chóng áp dụng vào dạy học, kiểm tra, đánh giá, triển khai ra đề theo cấu trúc định dạng. Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho hay, địa phương đã xây dựng đề kiểm tra môn Sinh học theo cấu trúc định dạng đề thi mới và thử nghiệm hơn 1.000 học sinh lớp 10, lớp 11.

Kết quả hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, trong đó 6,5 là số điểm đạt nhiều nhất. Số học sinh đạt điểm 8, 9 giảm dần và trong 1.000 học sinh thử nghiệm, chỉ có 1 em đạt điểm 10. Số liệu thu được cho thấy đề có tính phân hóa cao, hạn chế những lựa chọn may rủi trong lựa chọn đáp án. Để ra được đề, giáo viên cần đầu tư nhiều công sức, đưa ra các vấn đề thực tiễn để đánh giá năng lực học sinh. Đề có ngữ liệu mang tính mở cao, phát huy tính sáng tạo, năng lực người học.

Đánh giá cấu trúc đề thi mới có tính phân loại cao, ông Đinh Văn Khâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình khẳng định đề minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có tác động mạnh tới việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Giáo viên phải dạy kỹ, căn bản, đầy đủ thì mới phủ hết kiến thức để học sinh hoàn thành bài thi.

Thầy cô cũng phải dạy phương pháp tư duy, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; lập luận, quy trình tính toán, vững vàng công thức mới giải quyết được các câu hỏi trả lời ngắn, đúng-sai một cách hoàn thiện. Muốn đạt điểm cao, học sinh phải học thật, vững vàng, tư duy mạch lạc.

Tạo độ tin cậy để xét tuyển đại học

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển đại học vẫn chiếm một tỷ lệ lớn (năm 2023 là hơn 41%). Trong đó, khối ngành Khoa học sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào thuộc tốp cao nhất các cơ sở giáo dục đại học vẫn lấy đầu vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhận định việc tổ chức thi theo phương thức mới sẽ rút ngắn thời gian thi, tiết kiệm chi phí, giảm áp lực thi cử, song bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng ra đề thi là khâu rất khó, nhiều áp lực. Vì vậy, đội ngũ ra đề thi cần có năng lực chuyên môn, phẩm chất tốt để bảo đảm chất lượng đề thi tốt. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều bộ sách khác nhau nên khi làm đề thi cần thống nhất, tránh gây nhầm lẫn cho học sinh bởi ngữ liệu của các bộ sách có thể có nhiều cách hiểu khác nhau.

GS, TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế đồng tình việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học giúp thí sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi. Hơn nữa, thay vì tổ chức kỳ thi riêng, gây phân tán nguồn lực (cơ sở dữ liệu, phần mềm, người ra đề thi...), các trường đại học có thể tập trung hoàn toàn nguồn lực vào vấn đề đào tạo.

Tuy nhiên, để kết quả thi có độ tin cậy cao, nhiều trường cũng đề xuất, đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT nên có tính phân loại hơn để làm cơ sở cho các trường đại học xét tuyển. Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT nên để các trường đại học tiếp cận kết quả phân tích đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về độ khó, độ phân cấp, phân hóa. Đây là cơ sở để các trường có thể tin tưởng chắc chắn vào đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đề thi tốt nghiệp THPT cần phân hóa tốt ở phân khúc 2 nhóm điểm thành phần: Nhóm 5 đến 7,5 điểm và Nhóm từ 7,5 đến 10 điểm, để thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường đại học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc đề thi có độ phân hóa cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch, hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật.

Việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp là một trong những phương thức cho tuyển sinh đại học sẽ giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: qdnd.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP