Trong nước

Đề xuất nâng số giờ làm thêm: Chưa thống nhất mức trần

Nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là quá cao (tăng 180% so với quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 và tăng 240% so với Bộ Luật Lao động 2012)

Ngày 10-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 9.

Nhiều hiệp hội đề xuất làm thêm lên 400 giờ/năm

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết của UBTVQH về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động (NLĐ), trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của NLĐ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của NLĐ là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp về đề xuất tăng giờ làm thêm. Ảnh: NGUYỄN NAM

Bộ đã nhận được góp ý của 13 cơ quan. Về cơ bản, tất cả các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung dự thảo Nghị quyết. Thậm chí, một số hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ/năm. Trong quá trình xây dựng Bộ Luật Lao động 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Tuy nhiên, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp nhất định (khoản 3 điều 107). Việc tăng thời gian làm thêm lên quá 300 giờ/năm là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe NLĐ, an toàn lao động, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, đề xuất nâng giới hạn giờ làm thêm này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình đánh giá việc thực hiện Bộ Luật Lao động 2019.

Cân nhắc từng ngành nghề

Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với Chính phủ sự cần thiết mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa làm thêm 300 giờ một năm.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng. Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần 300 giờ làm thêm trong năm.

Mặt khác, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban cho rằng nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là chưa có đầy đủ cơ sở khoa học. "Việc tăng này là quá cao, tăng 180% so với quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ Luật Lao động năm 2012 (quy định 30 giờ), tương ứng với 9 ngày làm việc bình thường" - bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ.

Về thời hạn áp dụng, đa phần các ý kiến đều cho rằng chỉ nên áp dụng trong một thời gian ngắn. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ

Chiều 10-3, UBTVQH đã cho ý kiến vào báo cáo Bổ sung, làm rõ một số nội dung về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Dự án được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, đến năm 2020 phải hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay, 2.362 km/2.744 km đã hoàn thành, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Nguyên nhân chậm tiến độ do gặp vấn đề về vốn và khả năng rà soát để cân đối nguồn vốn cũng như huy động đầu tư tư nhân là rất khó. Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 để đầu tư.

Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tác giả: Thế Dũng

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP