Chính phủ đề xuất mở rộng việc áp dụng không tổ chức cho các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục để xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Đây là một trong những nội dung lớn trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền đại phương (sửa đổi) vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 5/2. Dự án luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, diễn ra trong tháng này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu đặt ra là sửa đổi cơ bản, toàn diện và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Chính phủ đề xuất dự thảo luật quy định mô hình theo hướng: Mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng với đó mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại phường của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các ĐVHC cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (riêng tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô).
Theo đó, đối với ĐVHC đô thị thì tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn: tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Tại quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm: thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với ĐVHC nông thôn thì tại tỉnh, huyện, xã (trừ xã thuộc đô thị) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Còn với ĐVHC ở hải đảo dự kiến tổ chức phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, với ĐVHC - kinh tế đặc biệt sẽ tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội quy định khi thành lập ĐVHC - kinh tế đặc biệt đó.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo.
Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp.
Có ý kiến đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đề xuất tại dự thảo luật chưa có sự thống nhất với mô hình tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô. Do đó, đề nghị Chính phủ thể hiện rõ quan điểm nên thực hiện theo Luật Thủ đô hay sẽ thực hiện thống nhất như các thành phố khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận |
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về phạm vi sửa đổi toàn diện, sự cần thiết và nội dung cơ bản, tư tưởng sửa luật cũng như 3/5 vấn đề lớn.
Riêng đề xuất không tổ chức HĐND ở xã trong đô thị; tổ chức và hoạt động của UBND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phân tích rõ các phương án để thấy rõ ưu, nhược điểm trên cơ sở bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhát và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Đồng thời tổng hợp ý kiến của các địa phương, trong đó có Hà Nội để hai Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Chính phủ thảo luận, kết luận và báo cáo xin ý kiến cấp thẩm quyền.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV