Giáo dục

Dạy trẻ chống xâm hại tình dục

Nhiều vụ trẻ em bị xâm hại thương tâm xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây.

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại diễn biến vụ việc trong thang máy ở chung cư tại Q.4 (TP.HCM) đang khiến dư luận bức xúc

Nguy cơ trẻ bị xâm hại luôn rình rập khắp nơi, đã đến lúc cần trang bị cho các bậc phụ huynh và trẻ em các kỹ năng để các em tự bảo vệ mình, phòng tránh xâm hại tình dục.

Có thể xảy ra ở bất cứ đâu

Bất bình trước thông tin liên quan đến vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 đường Nguyễn Khoái (P.1, Q.4, TP.HCM) đang khiến dư luận xôn xao, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), bày tỏ: “Việc này cảnh tỉnh những người làm cha làm mẹ rằng con em chúng ta, dù là trẻ em nam hay nữ, dù ở khu vực nào đều có rủi ro trở thành nạn nhân của việc bị xâm hại tình dục (XHTD). Kẻ XHTD có thể là bất cứ ai và khu vực nào cũng có thể không an toàn”.

Vì sự an toàn của nhiều trẻ VN, chúng ta không thể để câu chuyện này chìm xuồng hoặc bao biện bằng lý do nào khác, nếu không sự tức giận của người dân sẽ tăng cao, họ không còn niềm tin vào luật pháp

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc CSAGA

Về vụ việc này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành viên (CSAGA), nhìn nhận: “Đây là một vụ tấn công tình dục chứ không đơn giản là hành vi dâm ô. Điều đáng nói, kẻ xâm hại từng là quan chức trong ngành luật pháp chuyên đi xét xử người khác. Vì sự an toàn của nhiều trẻ VN, chúng ta không thể để câu chuyện này chìm xuồng hoặc bao biện bằng lý do nào khác, nếu không sự tức giận của người dân sẽ tăng cao, họ không còn niềm tin vào luật pháp”.

Theo bà Vân Anh, ở VN chưa trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng về phòng chống XHTD cho trẻ em. Đa phần trẻ em chưa biết cách phòng chống, cái mà người lớn thường đề phòng là bắt cóc trẻ em, sợ trẻ em đi lạc. Các môi trường thân thuộc như: trong gia đình, nhà trường, trong khuôn viên khu chung cư, hay đơn giản trong thang máy thì gần như mọi người không nghĩ là phải đề phòng.

Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe, Cộng đồng Ánh sáng (Light), nhận xét: “Sai lầm của các bậc phụ huynh coi rằng kỹ năng phòng tránh XHTD chỉ cần học một vài câu, một vài ngày là đủ. Qua vụ việc này, cũng cần phải cảnh báo các bậc phụ huynh, giáo dục giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại không thể dạy một chốc một lát, những kỹ năng: nhận diện nguy cơ, xử lý tình huống, kỹ năng từ chối… phải hình thành từ bé, khi bắt đầu em còn nhỏ 2 - 3 tuổi”.

Bà Nguyễn Phương Linh cho rằng ngoài việc cần phải sửa đổi pháp luật liên quan đến xử lý tội phạm này, cần phải thúc đẩy giáo dục cộng đồng về XHTD trẻ em trong gia đình, trong nhà trường, và cho toàn xã hội. Theo bà Linh, trẻ em cần được học về kỹ năng tự bảo vệ mình khỏi XHTD càng sớm càng tốt, ngay ở độ tuổi mẫu giáo, học một cách thực chất và được thực hành các tình huống xử lý giả định qua trò chơi hay qua các phương pháp khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là lý thuyết. Từ đó hình thành các kỹ năng cho các em khi biết phản ứng lại, và bỏ đi hay kể lại với bố mẹ, người thân hoặc gọi điện cho tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

“Việc giáo dục các kỹ năng tự bảo vệ trong nhà trường theo tôi không chỉ nên để các tiết học ngoại khóa kỹ năng mà nên đưa vào chương trình chính khóa. Phụ huynh và giáo viên cũng cần được trang bị các kiến thức để có thể hướng dẫn và bảo vệ con mình khỏi bị xâm hại thông qua những phương pháp giáo dục thân thiện với trẻ em, và là địa chỉ tin cậy để trẻ em có thể kể lại, hãy nhớ rằng: trẻ em không có lỗi”, bà Linh đề xuất.

Bà Linh đánh giá nguy cơ bị XHTD của trẻ em trai và trẻ em gái đều rất cao (trẻ em gái nguy cơ cao hơn một chút 1/4 và 1/6) nên không chỉ phòng ngừa nguy cơ cho trẻ em gái mà quên mất trẻ em trai.

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Giáo dục phòng chống xâm hại phải bắt đầu từ lứa tuổi mầm non, ngay khi các em bắt đầu khám phá bộ phận sinh dục trên cơ thể. Các bậc cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý lứa tuổi từ 3 - 8. Ở độ tuổi này, các em dễ bị xâm hại nhất, vì vậy phải dạy cho các em thế nào là động chạm an toàn và không an toàn, thế nào là không gian an toàn và không an toàn. Đâu là những khu vực thuộc về riêng tư cá nhân, nhận diện tình huống nào là tình huống nguy hiểm, nhận diện hành vi nào là hành vi gây sự khó chịu, cách ứng xử với hành vi bị quấy rối...”.

BS Nguyễn Thu Giang nói thêm: “Ở nước ngoài, giáo viên phải qua khóa học về phòng chống xâm hại trẻ em và phải có chứng chỉ. Còn ở VN giáo viên vẫn bị áp lực về kiến thức dạy học, nên không ai quan tâm đến vấn đề này”.

Với những trường hợp tương tự như ở TP.HCM, BS Giang cho biết, đa phần các nước ở châu Âu, Mỹ đều áp dụng biện pháp cách ly kẻ xâm hại trẻ em không được phép lại gần trẻ em trong vòng bán kính bao nhiêu mét hoặc gắn chíp. Còn ở VN, những hành vi này chẳng lưu trong hồ sơ, cũng không có hình phạt nào tiếp theo. “Ở VN, những tội danh khác có thể giữ bí mật về mặt nhân thân, nhưng riêng với tội xâm hại trẻ em cần phải công khai danh tính ở khắp nơi trong cộng đồng”, bà Giang kiến nghị.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), trong phiên họp mới đây của Ủy ban Bảo vệ trẻ em có nhiều ý kiến kiến nghị rà soát lại quy trình tư pháp đối với các vụ việc xâm hại trẻ em. Có như vậy mới đáp ứng được tình hình, ngăn chặn tội phạm xâm hại trẻ em. Ông Nam cho biết, đầu năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH xây dựng kế hoạch phòng chống xâm hại trẻ em. Kế hoạch hiện nay đang trong quá trình soạn thảo. Qua những vụ việc nổi cộm gần đây, Ban soạn thảo sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa vào những nội dung mang tính đột phá, ưu tiên phòng ngừa tốt nhất cho trẻ em.

Tăng cường phòng chống XHTD trẻ em

80% nạn nhân bị xâm hại là trẻ em gái

Ngày 3.4, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền trẻ em phù hợp với quy định của luật Trẻ em; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành, phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, xử lý nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em. Phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

* Theo thống kê của Bộ Công an, từ 2014 - 2018, toàn quốc phát hiện khoảng 6.810 vụ XHTD trẻ em. Riêng năm 2018 phát hiện 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em). Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái (chiếm trên 80%).

Chí Hiếu - Thu Hằng

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP