Tin địa phương

Dân tố mỏ khai thác cát gây sạt lở bờ sông

Nhiều hộ dân ở xã Phong Hóa phản ánh lên các cấp chính quyền về việc mỏ khai thác cát trên địa bàn hoạt động đã gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân.

Khai thác cát sát khu dân cư

Người dân tố cáo việc khai thác cát làm sạt lở vùng tre dự án PAM bảo vệ bờ sông.

Nhiều hộ dân ở xóm Động Ngang (thôn Yên Tố, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) phản ánh, thời gian qua mỏ khai thác cát, và bãi tập kết cát của Doanh nghiệp tư nhân Lưu Thủy (Doanh nghiệp Lưu Thủy) hoạt động trên địa bàn xóm có nhiều bất cập. Trong đó, cơ quan chức năng quy hoạch và cấp phép mỏ cát cho doanh nghiệp này sát với vùng sạt lở bờ sông, nhiều gia đình có nguy cơ bị cuốn trôi nhà cửa. Doanh nghiệp Lưu Thủy làm bãi tập kết cát trên đất bãi bồi trồng tre chống sạt lở; đường vận chuyển vật liệu đi trên con đường bê tông xóm bỏ kinh phí ra làm và quản lý.

Xóm Động Ngang bắt đầu từ con đường bê tông ngoài đường QL12A dẫn vào. Con đường này đã bị xuống cấp, hư hỏng với ổ voi, ổ gà. Vào trong xóm, con đường nằm ngay trên mép bờ sông dốc đứng lởm chởm. Toàn xóm Động Ngang có 14 hộ dân nằm ven bờ sông Gianh; nhiều nhà dân chỉ cách điểm sạt lở chừng 5-10m.

Ông Mai Xuân Lý - Phó thôn Yên Tố cho biết: “Trước đây, sông Gianh đoạn này rất hẹp, có dự án phi Chính phủ về đầu tư trồng tre dọc bờ sông để chống sạt lở. Nhưng mấy năm gần đây, tốc độ sạt lở bờ sông diễn ra mạnh, lòng sông rộng ra, rất nhiều dãy tre bị cuốn trôi xuống sông”.

Bãi tập kết cát của Doanh nghiệp Lưu Thủy.

Chỉ tay ra giữa dòng sông, ông Lý nói, “cách đây mấy năm, vùng này bắt đầu sạt lở mạnh, dân sống trong thấp thỏm vì sợ nhà cửa bị cuốn trôi xuống sông lúc nào không hay. Vậy nhưng, tỉnh Quảng Bình lại cấp cho doanh nghiệp tư nhân Lưu Thủy khai thác cát sát khu vực này. Khi 7, 8 tàu hút cát của doanh nghiệp khai thác cả ngày lẫn đêm, những chiếc vòi rồng vươn vào sát bờ để hút cát, khi có mưa, hay lũ lụt về là bờ sông dốc đứng bị sạt lở từng mảng lớn đổ rầm rầm”.

Mỏ khai thác cát của Doanh nghiệp Lưu Thủy được cấp phép gần khu dân cư, nên tàu thuyền hoạt động khai thác cát làm máy nổ ầm vang cả khúc sông. Doanh nghiệp này đưa tàu ra khai thác ban đêm gây ra tiếng ồn khiến bọn trẻ trong xóm không thể học bài được. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương cấm hút cát ban đêm, nên lại chuyển sang hút cả ngày, làm cho cả xóm lúc nào cũng bị tra tấn bởi tiếng ồn.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp Lưu Thủy còn bị người dân phản đối việc tập kết cát trên vùng đất trồng tre chống sạt lở bờ sông do dân hợp đồng chăm sóc, bảo vệ. Hiện bãi tập kết cát này của Doanh nghiệp Lưu Thủy đã được cấp sổ đỏ, trong đó khu vực chồng lấn vùng tre dự án PAM là 264m2.

Chị Hồ Thị Cúc (thôn Yên Tố) phản ánh, “vùng tre dự án PAM này được trồng từ lâu rồi, năm 2006 gia đình tôi nhận hợp đồng chăm sóc, bảo vệ vùng tre này từ thôn Yên Tố với thời hạn 25 năm. Chính quyền đã cấp sổ đỏ cho gia đình anh Lưu trong đó có chồng lấn 264m2 đất trồng tre mà chúng tôi đang thực hiện bảo tuy nhiên chúng tôi lại không hề biết. Quá trình hút cát dưới thuyền lên bãi, Doanh nghiệp Lưu Thủy đã làm xói lở những rặng tre, nên chúng tôi phải tự đóng cọc chống sạt lở để bảo vệ”.

Xã chờ huyện về giải quyết

Phía trong xây kè, ngoài sông cấp mỏ khai thác cát và nỗi lo lắng của người dân.

Bờ sông Gianh qua xóm Động Ngang sạt lở rất nghiêm trọng, nhất là trận lụt cuối năm 2017, uy hiếp nhiều hộ dân nên dự án làm kè bờ sông đã được triển khai, hiện đang bắt đầu thi công. Bờ kè sông Gianh đang thi công, mỏ cát doanh nghiệp vẫn khai thác phía dưới, làm ảnh hưởng chất lượng và tính bền vững của công trình kè, nên người dân đã gửi đơn thư lên chính quyền xã.

Ông Hoàng Văn Trường (người dân xóm Động Ngang) bức xúc nói, “kè sông rất tốn kém, nhất là những nơi bờ sông dốc đứng như vùng này, trong khi lợi nhuận thu thuế từ mỏ cát có đủ để đầu tư làm kè 2 bên bờ sông hay không? UBND tỉnh Quảng Bình cần xem xét lại vị trí cấp mỏ cát cho hợp lý, để không ảnh hưởng đến bờ kè sông, và ảnh hưởng trực tiếp đến 14 hộ dân chúng tôi. Còn cấp phép bãi tập kết cát sạn cho Doanh nghiệp Lưu Thủy, mà sử dụng đường dân sinh để làm đường vận chuyển là không đúng. Chúng tôi đóng tiền làm đường bê tông, nên chúng tôi phản đối ô tô tải vào chở cát sạn phá nát con đường”.

Trao đổi với báo điện tử Infonet, bà Hồ Thị Bích Hà – Chủ tịch UBND xã Phong Hóa cho biết, xã đã nắm tình hình và mời những gia đình có đơn thư lên làm việc. Tuy nhiên, một số hộ dân không nắm rõ vấn đề, nên không đồng ý làm việc. Xã đã báo cáo sự việc lên huyện, và sắp tới huyện sẽ về phối hợp giải quyết.

“Trên địa bàn có mỏ cát Sảo Phong được UBND tỉnh cấp phép cho Doanh nghiệp Lưu Thủy khai thác. Doanh nghiệp khai thác cát, người dân có phản ứng về độ ồn, nên ngành môi trường đã quy định không hút cát vào ban đêm. Dân phản ánh sạt lở bờ sông là đúng thực tế, tuy nhiên nguyên nhân gây sạt lở phải có cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu, nên chưa thể khẳng định là do hút cát được” - Bà Hà cho biết.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP