Kinh tế

Có thể hoàn thành và vượt 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỉ USD, tăng 11,7%.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8) khai mạc sáng 2-10 sẽ thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có báo cáo hình kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách năm 2019.

Sẽ hoàn thành mục tiêu kép

Về phát triển KT-XH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết năm 2018 ước hoàn thành và vượt cả 12 chỉ tiêu đề ra. Kết quả nổi bật nhất là lạm phát được kiểm soát liên tiếp trong 3 năm của giai đoạn 2016-2020; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỉ USD, tăng 11,7%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,98% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%).

Tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2018 đạt mục tiêu đề ra. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong (TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Dự báo phát triển KT-XH sẽ thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân; củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hạn chế tình trạng "đô-la hóa"

Ðể đạt được những mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho rằng các ngành, các cấp cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,… "Ðiều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình phù hợp, bảo đảm thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm" - Phó Thủ tướng đề nghị.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý và điều hành lãi suất, tỉ giá linh hoạt; triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng "đô-la hóa". Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Ðẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tốc độ cổ phần hóa, phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch. "Tăng cường quản lý thanh toán điện tử trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới, trung gian thanh toán, thanh toán qua mạng" - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỉ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp. Thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong một số ngành trọng điểm: Công nghiệp ôtô, điện tử, dệt may và da giày. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020. Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Kinh tế năm 2019: Khả quan!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận năm 2019 và 2020 triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2019 dự kiến là: GDP tăng khoảng 6,6%-6,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8%...

Tác giả: Bảo Trân

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP