Giáo dục

Cô ơi, em có nên “chạy” biên chế không?

Chiều chủ nhật, tôi có một em sinh viên cũ đến chơi. Em là sinh viên do tôi làm cố vấn học tập, đã tốt nghiệp được gần 1 năm nhưng chưa xin được việc. Em đến hỏi tôi có nên bỏ tiền để “chạy” biên chế không?

Thực lòng em không muốn nhưng bố mẹ em lại thuyết phục em. Bối rối quá, không biết phải làm sao, em tìm đến tôi nhờ tư vấn.

Em kể: Nhà em ở một xã nghèo của huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Gia đình em là một gia đình thuần nông. Bố mẹ em phân tích với em rằng có người gợi ý sẽ “chạy” cho em được hợp đồng đi dạy ở một trường cấp 3, sau đó 2 năm sẽ chuyển vào biên chế.

Đương nhiên cái giá phải trả không hề nhỏ. Lương hợp đồng thì thấp, khoảng hơn 1 triệu thôi nhưng sau này vào biên chế sẽ là khoảng hơn 4 triệu. Với mức lương đó, em được ở nhà nên không phải tốn tiền thuê phòng trọ. Nhà có đất đai rộng rãi, em trồng ít rau, nuôi thêm vài con gà con vịt cho đỡ tiền chợ. Vậy nên, lương 4 đến 5 triệu nghe qua có vẻ ít nhưng ở quê như vậy là đủ ăn. Sau này, lấy chồng bố mẹ sẽ cho em mấy sào rẫy làm vốn để có thêm thu nhập. Con cái thì bố mẹ sẽ giữ dùm khi còn nhỏ. Cuộc sống như vậy là ổn, không giàu có gì nhưng cũng đủ ăn đủ mặc.

Em giãy nãy lên, nói: Thà cho con đi làm công nhân vừa được lương cao hơn, vừa không tốn tiền chạy việc.

Bố mẹ lại giảng giải: Ừ, làm công nhân nếu siêng năng tăng ca thì lương tháng khoảng 10 triệu nhưng ở Đắk Lắk có muốn làm công nhân cũng không phải dễ, có mấy công ty, xí nghiệp đâu. Muốn làm công nhân chỉ có thể đi Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn. Mà đến đó phải thuê phòng trọ, ăn uống, mọi chi phí đều đắt đỏ.

Nếu lập gia đình, sinh con rồi thì mức lương 10 triệu đó cũng chỉ gọi là đủ ăn thôi. Lúc con cái còn nhỏ xa ông bà lấy ai giúp đỡ, rồi gửi nhóm trẻ không phép ai biết có an toàn không hay là bị bạo hành? Rồi biết đến khi nào mới có nhà có cửa hay mãi mãi ở nhà thuê? Bố mẹ có bán hết rẫy ở quê chắc chỉ mua được vài mét đất ở đó thôi. Tính đi tính lại, chẳng thà để bố mẹ bỏ tiền chạy việc cho con, xin được 1 biên chế nhà nước rồi làm rẫy thêm là yên tâm nhất.

Em kể với tôi mà như muốn khóc. Em thương bố mẹ đã vất vả nuôi em ăn học 4 năm qua. Gia đình em có hơn 1 ha đất rẫy, vừa có cà phê, vừa có tiêu, lúa, xoài. Bố mẹ em quanh năm tất bật vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, quyết đầu tư cho con cái ăn học. Làm nông vất vả, năm trúng mùa, được giá thì được khoảng mấy chục triệu, gặp lúc mất mùa mất giá là coi như làm không công. Năm nay tiêu mất giá, chỉ còn bằng 1/3 so với mấy năm trước nên bố mẹ em và nhiều nông dân khác lao đao.

Em không muốn mình là gánh nặng cho bố mẹ. Không lẽ tốt nghiệp đại học loại khá, có sức khỏe như em lại không nuôi được bản thân. Em chỉ muốn đi Sài Gòn tìm việc, làm công nhân hay làm gì cũng được miễn là lao động chân chính. Nhưng bố mẹ em lại rất muốn em để bố mẹ sắp xếp, em chỉ cần nghe lời bố mẹ là được.

Nghe câu chuyện của em mà tôi nghĩ đến tình cảnh của hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Păk, Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ bị mất việc gây xôn xao dư luận suốt tuần qua. Nhìn hình ảnh các thầy cô giáo rơi nước mắt khi sắp bị mất đi công việc với mức lương hơn 1 triệu/tháng mà nhiều người không thể hiểu nổi vì sao các thầy cô lại muốn sống chết với nghề đến vậy? Làm sao các thầy cô giáo có thể sống được với mức lương thấp kỷ lục đến thế? Lương thấp thế tại sao các thầy cô lại cứ muốn bám trụ với nghề? Vì yêu nghề chăng?

Đúng là vì yêu nghề nhưng như thế chưa đủ. Còn vì hai chữ “biên chế”. Có cô giáo đã tiết lộ với phóng viên cô và hàng trăm giáo viên khác đã mất nhiều tiền để chạy hợp đồng đợi vào biên chế. Vì lời hứa đợi vào biên chế mà họ đã cố bám trụ với nghề. Nay được tin chấm dứt hợp đồng mấy trăm con người đau khổ này không thể chấp nhận được. Tiền để chạy việc thì làm gì có hóa đơn để nay làm bằng chứng mà đòi lại hay đi kiện kẻ đã nhận tiền ra tòa. Mọi con đường đến tương lai dường như đang tối sầm trước mắt hơn 500 thầy cô giáo đáng thương.

Em ra về với lời khuyên của tôi: Đừng “chạy” biên chế nhé em. Nhưng không biết bố mẹ có để em đi Sài Gòn tìm việc không hay là vẫn cố bấu víu vào lời hứa “chạy” biên chế của một người giấ u mặt nào đó?

Tác giả: Lại Thị Ngọc Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP