Giáo dục

Cô giáo tâm sự: Khi học sinh là con đồng nghiệp

Khi trực tiếp giảng dạy con của đồng nghiệp, tôi như thấu hiểu hơn nỗi lòng của những người cha mẹ trong việc học tập của con.

Một điều đặc biệt nơi tôi công tác giảng dạy là toàn xã chỉ có một trường cấp hai nên tất cả những học sinh cấp Tiểu học sau khi tốt nghiệp đều phải nộp đơn vào trường THCS này. Nên con của những giáo viên trong trường vào học trường có bố hoặc mẹ dạy là chuyện rất bình thường. Từ đây nảy sinh nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”.

Năm trước, tôi có nghe chị (một giáo viên dạy Âm nhạc) có than thở: “ Năm tới, con trai chị lên lớp 6, chị không biết cho học trường nào, chắc là lên học trường mình quá em à. Vì toàn xã chỉ có một ngôi trường cấp hai đây thôi.”

Tôi nghĩ rằng, con lên học trường mẹ thì tốt chứ sao, mình vừa đi làm vừa để mắt đến con, một công đôi việc. Tôi bảo chị cứ cho cháu lên học. Có gì nhờ đồng nghiệp bảo ban cháu giúp luôn.

Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh bầu con trai chị này làm lớp trưởng vì căn cứ vào kết quả học tập cấp Tiểu học và có mẹ là giáo viên nên có nhiều lợi thế hơn các bạn khác.

Càng vào sâu trong năm, cậu con trai này không biết ham chơi hay ỷ lại mà sức học rất yếu. Trong giờ học, cậu ta quay qua quay về, nói chuyện lia lịa, giáo viên vô cùng bất xúc. Một số giáo viên trong trường bắt đầu nghi ngờ kết quả học tập của cấp I đưa lên. Họ nhiệt tình và chân thành báo tình hình và kết quả lại cho phụ huynh.

Nhưng than ôi, chị đồng nghiệp của tôi hầu như bác bỏ mọi thông tin mà giáo viên bộ môn của con mình cung cấp.

Có thể nói rằng, những giáo viên trực tiếp giảng dạy con trai đồng nghiệp của mình đều sững sốt và ngạc nhiên trước cách cưng chiều con một cách thái quá, tinh bảo thủ của người mẹ dễ dàng làm hư con. Chị cho rằng con mình chỉ ham chơi, lêu lỏng tạm thời chứ không đến mức phải báo động như lời các thầy cô cảnh báo.

Tôi cũng trực tiếp giảng dạy em học sinh con của đồng nghiệp mình, trước hoàn cảnh đó, tôi chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một số thầy cô than thở “Vào lớp 6/3, em B cứ loay hoay liên tục, hết việc nọ sọ qua việc kia, em cứ nhắc mãi mà em B vẫn không thay đổi. Nhìn B, em không dạy nổi luôn chị ơi.” Biết làm thế nào bây giờ, giáo viên chủ nhiệm có báo với chị H. (mẹ em B.) mà cũng chẳng khả quan gì. Mọi người tặc lưỡi ngao ngán.

Biết tính đồng ngiệp của mình như thế, một số giáo viên dạy cậu bé này chọn cách im lặng và hành động đúng lương tâm nghề nghiệp của bản thân.

Đúng như dự định, em B. không có mặt trong bất kì đội tuyển học sinh giỏi nào của Nhà trường. Kết thúc học kì hai này, tôi không biết “ăn nói sao” với chị đồng nghiệp của tôi về tình hình học tập của B.

Cùng là giáo viên Ngữ Văn, một đồng nghiệp của tôi cũng đưa con vào học trường của mẹ đang dạy.

May mắn cho chị ấy, con bé không như cậu con trai kể trên. Cô bé này được cái ham học và có gen di truyền từ mẹ nên cũng thích học Văn. Hiện cháu đang học lớp 8 và có chân trong đội tuyển Học sinh giỏi Văn ngay từ buổi đầu. Nói về cô bé lớp 8 này, chị đồng nghiệp của tôi vô cùng hy vọng và khá tự hào vì cô bé 8 năm liền là học sinh giỏi của trường.

Chị đồng nghiệp này được tính nghiêm khắc trong chuyên môn và cả trong cách giáo dục con cái, cả trường ai cũng nể phục.

Thế mà câu chuyện lại rơi vào một tình huống khác.

Năm nay, thi học sinh giỏi cấp Huyện, không biết có phải “học tài thi phận” không mà con bé không có giải nào. Con bé buồn một thì mẹ nó - đồng nghiệp của tôi, buồn mười. Nỗi buồn của chị như lây sang cả Tổ Văn của tôi. Chị nói một cách nhẹ nhàng: “Mẹ dạy Văn, con được tiếng học giỏi Văn, mà đi thi không có giải nào. Thật mất mặt với đồng nghiệp, với Nhà trường.”

Ai cũng động viên an ủi chị: “Không có năm này thì năm khác, chị đừng tạo áp lực mà con bé buồn, tội cháu lắm”. Chị mỉm cười gượng gạo: “Có lẽ chị hy vọng và đặt thành tích quá nhiều vào cháu nên giờ mới thất vọng như thế này.” Tôi nhẹ nhàng bảo chị: “Thi cử, ngoài yếu tố học giỏi cần có thêm sự may mắn, con bé chắc thiếu chút may mắn chị à.”

Khi trực tiếp giảng dạy con của đồng nghiệp, tôi như thấu hiểu hơn nỗi lòng của những người mẹ trong việc học tập của con. Bố mẹ luôn đồng hành cùng con trên con đường học tập. Con thành công, bố mẹ là người hạnh phúc nhất.

Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu thương con, muốn con có một tương lai bền vững sau này. Nhưng mỗi người có một cách yêu con khác nhau.

Tôi tâm đắc việc người mẹ yêu thương con nhưng không nuông chiều con. Luôn hiểu và uốn nắn con kịp thời là cách yêu thương con đúng mực nhất.

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP