Kinh tế

Cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Nhiều đại biểu QH đồng tình với việc ban hành các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù như đề xuất của Chính phủ để đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14-2, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng

Trình bày tờ trình của Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, đề nghị được áp dụng hình thức chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay, chọn nhà thầu có tên trong Hiệp định liên Chính phủ theo quy trình rút gọn ngay sau khi QH chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Việc chỉ định nhà thầu có thể áp dụng với các gói thầu tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án - như tư vấn đàm phán, quản lý hợp đồng, thẩm tra dự án đầu tư (FS), công nghệ.

Về tài chính, Chính phủ muốn được phép đàm phán với chính phủ các đối tác thực hiện để có vốn theo nhu cầu, cam kết của nhà tài trợ nước ngoài; chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi.

Thảo luận tại các tổ, hầu hết đại biểu QH đồng tình với việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số vào giai đoạn tới, nhu cầu về điện là rất lớn. Nếu không có kế hoạch để bổ sung các nguồn điện ổn định, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng là rất khó, nhất là khi Việt Nam đang tập trung vào nhiều lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất chip, bán dẫn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - cho biết tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã nhanh chóng phát huy hiệu quả nhưng sự mong mỏi của người dân TP HCM chưa dừng lại ở tuyến metro này. Ảnh: VĂN DUẨN

Theo đại biểu Thường, vấn đề lựa chọn công nghệ cho dự án đang được xem xét để bảo đảm phù hợp với phương án tài chính. Ông đề nghị xem xét trao quyền đầy đủ cho Chính phủ và Thủ tướng trong việc thực hiện các công việc liên quan dự án, như thương lượng, đàm phán hợp tác với các đối tác. Bên cạnh đó, cũng cần trao đủ thẩm quyền cho hai chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thương lượng với các đối tác tương đương, khi đó có lối ra về các vấn đề liên quan lựa chọn, chuyển giao công nghệ...

Đại biểu Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM, đánh giá dự thảo nghị quyết mới chỉ bàn nhiều đến cơ chế đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong khi đó, dự kiến đến 2030 sẽ xây dựng xong nhà máy mà nguồn nhân lực không bắt đầu được chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ rất khó khăn trong vận hành, hoạt động. Ông Quân đề nghị bổ sung vào dự thảo nội dung chính sách đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể tiếp quản, tiếp nhận, vận hành tốt nhà máy điện hạt nhân sau khi hoàn thành.

7 tuyến metro của TP HCM sẽ "nằm trên giấy" nếu...

Cùng ngày, QH cũng thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Theo tờ trình dự thảo, có 6 nhóm chính sách đặc thù liên quan huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.

Góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng TP HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với dân số hơn 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực tế cho thấy nếu không có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, sức chở lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, thành phố sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.

Sau thời gian dài chờ đợi, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22-12-2024 và nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực, thể hiện ở số lượng hành khách sử dụng cao hơn dự kiến, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía Đông thành phố. Điều này cho thấy người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, sự mong mỏi của người dân TP HCM chưa dừng lại ở Metro số 1. Hiện nay, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để triển khai đầu tư, xây dựng nhanh chóng. Đây là tuyến metro đi qua nhiều khu dân cư có mật độ cao, là tuyến xương sống giúp giảm áp lực giao thông khu vực phía Bắc - Tây TP HCM. Vì vậy, việc sớm khởi công xây dựng tuyến metro này là yêu cầu cấp thiết của TP HCM và mong mỏi rất lớn của người dân thành phố cũng như khu vực lân cận. Bên cạnh đó, các tuyến metro còn lại vẫn dừng ở khâu quy hoạch, chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện.

"Nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy, không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò thực sự trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị TP HCM" - Chủ tịch HĐND TP HCM chỉ rõ.

Bà Nguyễn Thị Lệ thống nhất các nội dung của dự thảo nghị quyết của QH, đồng thời đề nghị QH xem xét, thông qua các cơ chế đặc thù, đặc biệt này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khai thác các tuyến metro - đặc biệt là tuyến Metro số 2. Chủ tịch HĐND TP HCM khẳng định sau khi đề án được QH thông qua, thành phố sẽ triển khai ngay các nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có cam kết tiến độ rõ ràng từ nay đến năm 2035 cho 7 tuyến metro với chiều dài 355 km. Bên cạnh đó, nghiên cứu thành lập quỹ phát triển Metro TP HCM có sự tham gia của ngân sách trung ương, địa phương và khu vực tư nhân; tiếp tục phối hợp với các địa phương lân cận đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai các tuyến metro kết nối liên vùng, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hiện đại của toàn khu vực Đông Nam Bộ.

Gỡ rào cản để hỗ trợ đầu tư tư nhân

Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên song đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cũng cho rằng đây là một mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại khi Mỹ áp dụng chính sách thuế với nhiều quốc gia. "Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, một số quốc gia đã bị áp thuế một số mặt hàng. Thời gian tới, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ ít nhiều sẽ gặp thách thức" - đại biểu Cường nhìn nhận.

Đối với các địa phương, GS-TS Hoàng Văn Cường cho rằng việc Chính phủ ban hành nghị quyết giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cho các địa phương sẽ tạo xung lực cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước 8% trở lên.

Về một số giải pháp, ĐB Cường đề nghị sớm tháo gỡ các rào cản để hỗ trợ cho khu vực đầu tư tư nhân nhằm huy động nguồn lực này. Theo đại biểu, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong tháng đầu năm 2025 rất lớn là vấn đề cần lưu tâm và có giải pháp khắc phục.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn chỉ rõ vấn đề then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân bởi lẽ trong tổng mức đầu tư toàn xã hội, đầu tư tư nhân chiếm 55%. "Đây là yếu tố quyết định cho mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chứ không phải là đầu tư công" - Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tác giả: Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP