Tin địa phương

Chuyện những ngôi "biệt phủ' ở Quảng Bình

Trong chuyến công tác về Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất ngỡ ngàng trước một ngôi làng biển có nhiều "biệt phủ".

Ông nói: Báo chí nên viết về những ngôi làng kiểu mẫu này. Đây là thành quả của người dân nhưng đồng thời cũng minh chứng cho những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

“Biệt phủ” lấy từ Hoàng Sa

Gợi ý của Thủ tướng khiến tôi nung nấu một bài viết về các “biệt phủ” ở những làng biển nhưng mãi không thể thực hiện, bởi chủ nhân của nó thường xuyên vắng nhà. Họ là ngư dân, được mệnh danh là những “kình ngư”, bốn mùa đuổi theo luồng cá trên biển, khi cập bờ là những thành quả mang về từ phía biển. Cơn bão trái mùa số 16 quét qua vùng biển phía Nam nên tôi mới gặp được họ.

Trong ngôi nhà vừa mới hoàn thành, trị giá hơn 5 tỷ đồng ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, ngư dân Mai Văn Thụ oang oang kể cho tôi nghe về những chuyến đi biển, về ngôi nhà vừa mới hoàn thiện của mình. Anh tự hào: “Ngôi nhà ni, mà nhiều người gọi là biệt phủ chi đó là tui lấy từ ngư trường Hoàng Sa về đó”.

Chị vợ đang làm mồi nhậu đãi khách từ trong bếp chạy ra, lườm chồng: “Anh ăn nói chi lạ rứa? Nói với nhà báo là phải nghiêm túc, không là khi viết lên báo người ta hiểu nhầm. Ngôi nhà là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của anh và bạn tàu bao nhiêu năm qua bám biển, rứa mà anh buông nhẹ hều là lấy từ Hoàng Sa”.

Bị chỉ trích bất ngờ, anh Thụ cười xòa, chờ vợ trở vào bếp anh trầm giọng: “Ngư trường Hoàng Sa của ta rộng lớn là thế nhưng Trung Quốc dành hết phần về họ. Mỗi chuyến ra ngư trường Hoàng Sa, sểnh ra là họ đuổi, họ bắt. Nếu không kiên cường, không có kinh nghiệm ứng phó thì mất tàu, mất xác như chơi”.

Anh Thụ kể: Gia đình anh có truyền thống nghề biển từ đời cụ, kỵ. Cha anh cũng là một người đi biển có tiếng nhưng thời trước chỉ quanh quẩn vùng biển lộng. Đến đời anh, cũng chỉ mới vài năm lại đây mới dám vươn khơi, vươn xa. “Mình có ý chí rồi nhưng nói thật với chú, không có Nhà nước cho vay vốn thì những ngư dân như bọn tui làm chi có tiền tỷ để đóng tàu. Nhà tui có 4 anh em đều được vay vốn để đóng tàu. Giờ mỗi thằng một chiếc tàu xa bờ, cùng đi Hoàng Sa đánh bắt, cùng xây được “biệt phủ” như nhau. Nhưng nhìn kỹ thì biệt phủ của tui vẫn đẹp nhất... hề hề” – anh Thụ cười mãn nguyện.

Một góc làng biển Thanh Hải chỉ còn 1 hộ nghèo.

Theo anh Thụ, Hoàng Sa là một vựa cá khổng lồ nhưng muốn thành công ở Hoàng Sa, ngoài chuyên môn hóa cao, kinh nghiệm, đoàn kết thì phải có một ý chí kiên cường. Như gia đình của anh, 4 anh em đều làm nghề lưới vây, cùng nhau xuất phát, cùng đến một điểm buông lưới. Khi gặp tàu cá hay tàu tuần tra của Trung Quốc, thấy tàu của ta nhiều thì họ cũng không dám manh động. Từ năm 2010 đến nay, chưa có chuyến ra Hoàng Sa nào đội tàu của anh em nhà anh Thụ phải về tay không. Tuy vậy có một vài chuyến trong thời điểm sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, bán không được cá nên bị thua lỗ.

Không chỉ anh em nhà anh Thụ mới làm được nhà đẹp từ nghề biển, mà ở xã biển Bảo Ninh có hàng trăm ngôi nhà như thế, thậm chí còn nhiều tiền hơn. Nguyễn Công Hoan, một ngư dân trẻ, chưa đến 40 tuổi nhưng cũng đã cất được ngôi nhà hơn 7 tỷ đồng nhờ những chuyến biển ra ngư trường Hoàng Sa.

Hoan được người dân Bảo Ninh gọi là “kình ngư”. Anh theo cha đi biển từ lúc mới hơn 10 tuổi và thực sự giỏi nghề khi chưa đầy 20 tuổi. Anh không chỉ là người trẻ nhất chỉ huy một con tàu hơn chục tỷ, anh còn là một trong những người đầu tiên dám vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Từ năm 2010 đến nay, doanh thu mỗi năm của tàu anh luôn đạt trên 10 tỷ đồng. Và anh vẫn đang giữ kỷ lục về chuyến đi biển thắng lớn nhất ở xã Bảo Ninh, với doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng/chuyến.

Gặp anh đang đánh trần dọn dẹp đống phế liệu thải ra từ ngôi nhà đang hoàn thiện, anh cười tếu táo: “Làm cái nhà ni, tui có mấy khi ở nhà mô, toàn giao cho ông già với vợ ở nhà trông nom. Giờ mình tranh thủ về tránh bão, làm được việc chi đỡ đần cho vợ con thì phải cố mà làm, không sau này về vợ hắn đuổi ra khỏi nhà thì nguy”.

Theo tiết lộ của Hoan, ngôi nhà này anh thuê thiết kế theo phong cách “tân cổ giao duyên”, chi phí hết 65 triệu đồng. Các thiết bị nội thất đều nhập khẩu từ Đức. Ngoài cầu thang bộ bằng gỗ tốt, anh còn lắp thêm thang máy để đi lại cho tiện.

Cạnh đó là 2 ngôi nhà liền kề của ngư dân Phạm Tuyển và Nguyễn Văn Nam, họ là những “sói biển” trẻ măng, sinh năm 1983. Phạm Tuyển là người làm nhà 2 tầng gần như đầu tiên ở trong thôn và nay đang đầu tư 3 tỷ để sửa chữa, nâng cấp cho bằng chị, bằng em. Tuyển cũng là một “chiến binh” ở ngư trường Hoàng Sa. Tàu có 23 thuyền viên, tháng nào anh em cũng được nhận lương trên dưới 20 triệu. Tuyển nói nghề biển vất vả, nên tìm bạn rất khó, mình phải xem bạn như mình, trả thù lao cao mới giữ chân được họ. Có anh em, mình mới có thành quả như ngày hôm nay.

Bên trong căn nhà của ngư dân Nguyễn Văn Nam.

Làng duy nhất một hộ nghèo

Có một ngôi làng biển ở Quảng Bình đi đâu cũng gặp biệt phủ, nằm sát cửa Gianh, có tên Thanh Hải, thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Làng có 205 hộ, thì có đến 97 hộ giàu, 80 hộ khá, 27 hộ trung bình, duy nhất 1 hộ nghèo. “Làng tui có một hộ nghèo vì bất khả kháng. Cụ sống đơn thân, già cả chứ không phải không biết làm ăn. Thuộc diện hộ nghèo nhưng cụ không khổ như những hộ nghèo ở làng khác, vì được làng xóm xây cất cho nhà kiên cố, lương thực, thực phẩm được bà con chòm xóm cung cấp thường xuyên” – ông Trần Xuân Thắng, Bí thư chi bộ thôn Thanh Hải tự hào nói.

Theo ông Thắng, làng Thanh Hải có lịch sử hơn 100 năm. Ngày xưa cha ông chài lưới ven sông, ven biển, cuộc sống cơ cực. Chỉ đến khi Nhà nước có chủ trương cho vay vốn đóng tàu vươn khơi, làng Thanh Hải như có một sức bật lạ thường. Nhà nhà đóng tàu lớn, người người thi đua vươn khơi, vươn xa, sản vật từ biển mang về đã giúp ngôi làng nhỏ này ngày thêm trù phú.

Ông Thắng tâm sự: “Cả một thời thiếu ăn vàng cả mắt, làng chẳng có ruộng vườn, chỉ trông chờ vào con cá, con tôm để có tiền mua gạo. Khi Nhà nước có chính sách ưu đãi vay vốn đóng tàu xa bờ, từ một chiếc tàu đầu tiên vươn khơi có thành quả, làng xóm nhìn vào đó mà mạnh dạn đầu tư. Giờ thì làng tui có gần trăm chiếc tàu công suất lớn, toàn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa”.

Không chỉ thi đua trong làm ăn, có đồng ra đồng vào, người dân Thanh Hải còn thi đua làm nhà đẹp. Những ngôi biệt thự sang trọng cứ thế mọc lên trên nền cát. Nếu bỗng dưng lạc vào giữa ngôi làng này, người lạ chắc hẳn sẽ nghĩ mình đang đi giữa khu một khu phố sang trọng nào đó, chứ không thể là một ngôi làng. Những ngôi nhà cao tầng, những ngôi biệt thự sang trọng sat sát nhau, nối dài hết ngõ này sang ngõ khác.

Theo ông Thắng, ngoài nghề đánh bắt xa bờ, làng Thanh Hải rất phát triển hậu cần nghề cá. Không ai trong độ tuổi mà không có việc làm. Riêng khối chị em phụ nữ đã lập vốn hơn 20 tỷ đồng làm các kho xưởng đông lạnh, tạo việc làm cho cả làng và lao động của vùng khác với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng mỗi người một tháng. Tổng giá trị hậu cần nghề cá có dòng vốn lưu chuyển trên dưới 200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi hộ dân trung bình năm lên tới 150 triệu đồng.

Theo chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, năm 2017 có hơn 80 nhà ngư dân được cấp phép xây dựng nhà với giá trị từ 1,5 đến hơn 7 tỷ đồng. Từ ngày cơ chế mở biển xa bờ, ngư dân làm ăn lớn nên cả ngàn căn nhà tiền tỷ được xây mới. Xã có 2.700 hộ dân, giờ chỉ còn 16 hộ nghèo do già cả, neo đơn, mất sức lao động.

Tác giả: HOÀNG NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP