Tin địa phương

Chuyện một dự án nhân văn

Giống như nhiều phụ huynh khác ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), thời gian gần đây, đúng 15 giờ 30 chiều, chị Hoàng Thị Toan trú tại thôn Mỹ Cảnh lại đưa con mình là cháu Nguyễn Đức Cường, học sinh (HS) lớp 4 đến tham gia khóa học bơi, phòng chống đuối nước (PCĐN) ở khu bể bơi hiện đại nằm trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh.

Hệ thống bể bơi này khởi đầu từ một dự án rất nhân văn: Dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng do Quỹ Boll Foundation thông qua Hội CTĐ Đức tài trợ, triển khai tại tỉnh Quảng Bình từ năm 2015 và kết thúc vào tháng 3-2018.

Góp phần hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em vùng biển

Chị Hoàng Thị Toan tâm sự: “Thế hệ chúng tôi bước vào tuổi lên năm, lên mười, bố mẹ ném ra biển, tất cả tuân theo lẽ tự nhiên, đều biết bơi, có thể đối phó được với tình trạng đuối nước. Trẻ em ở xã Bảo Ninh bây giờ, hoàn toàn không biết bơi, mù tịt kỹ năng bơi lội. Vì thế, giống như nhiều phụ huynh khác trong xã, khi bể bơi tại Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh đưa vào sử dụng, tuyển sinh, tôi đăng ký cho con trai theo học ngay”.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh cho biết: “Trong khuôn khổ Dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng do Quỹ Boll Foundation thông qua Hội CTĐ Đức tài trợ cùng với ngân sách xã, một hệ thống bể bơi có mái che, hiện đại, đạt chuẩn được xây dựng. Mục tiêu Hội CTĐ Đức, Hội CTĐ tỉnh hướng đến là trang bị kiến thức về PCĐN cho học sinh bậc tiểu học, giúp các em biết về kỹ năng bơi lội, sẵn sàng cứu mình, cứu người khi xảy ra tình trạng đuối nước, chủ động ứng phó trong thiên tai, địch họa”.

HLV bơi lội hướng dẫn tận tình cho các em nhỏ.

Mùa hè năm nay, bể bơi chiêu sinh khóa đầu tiên gồm 109 học viên là HS trong độ tuổi từ lớp 3 trở lên, theo quy định đạt chuẩn chiều cao trên 1,3 mét. Mỗi khóa học thời gian 1,5 tháng. Kết thúc khóa này, nhà trường sẽ tiếp tục chiêu sinh khóa khác. Trong một năm, hoạt động đào tạo kỹ năng bơi lội, PCĐN cho HS bắt đầu vào tháng tư, đến tháng 10 thì kết thúc.

Phụ trách công tác huấn luyện tại bể bơi gồm 4 huấn luyện viên (HLV) dày dạn kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu về bơi lội và nghiệp vụ sư phạm. Các em HS tham gia học bơi sẽ được HLV kèm cặp, chỉ bảo nhiệt tình nên mặc dù theo quy định khóa học kéo dài 1,5 tháng nhưng chỉ khoảng tuần đầu tiên các em đều biết bơi, thuần thục nhiều động tác và kiểu bơi lội.

HLV Nguyễn Viết Đặng Huyền Trang (SN 1984) chia sẻ: “Tất cả các em đăng ký học, hầu hết không biết bơi, “trắng” kiến thức về PCĐN. Vì thế, ngoài nhiệm vụ huấn luyện giúp học viên tự tin bơi lội thuần thục thì một nội dung quan trọng chúng tôi không thể bỏ qua là trang bị kỹ năng, kiến thức về PCĐN. Để sau khóa học, các em có thể áp dụng vào thực tiễn khi xảy ra tình trạng đuối nước”.

Hồ Văn Quang (SN 2007), học sinh lớp 6 khoe với chúng tôi: “Được sự chỉ bảo tận tình của HLV, cháu và các bạn học bơi tại đây thực sự không còn sợ nước nữa. Giờ có bị ném xuống nước cũng tự mình bơi được vào bờ”. Em Phạm Hải Đăng, HS lớp 4 hồn nhiên: “Ngoài việc biết bơi lội, sức khỏe cháu khá dần lên khi theo học bơi tại đây. Mỗi bữa có thể ăn đến bốn bát cơm”.

Mục tiêu hướng đến trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương

Dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng do Quỹ Boll Foundation thông qua Hội CTĐ Đức tài trợ có tổng kinh phí 745.000 Euro. Hội CTĐ tỉnh lựa chọn 4 xã, phường thuộc hai địa phương để triển khai gồm: Thuận Hóa, Mai Hóa (Tuyên Hóa); Bảo Ninh, Phú Hải (thành phố Đồng Hới). Mục tiêu dự án là giúp người dân tăng cường khả năng phòng ngừa, chống chịu, ứng phó và phục hồi một cách hiệu quả trước, trong và sau các hiểm họa tự nhiên.

Tại Tuyên Hóa, dự án triển khai các nội dung, như: xây dựng 25 nhà chòi tránh lũ cho hộ dân ở vùng ngập lụt xã Thuận Hóa; làm đường cứu hộ và sơ tán từ quốc lộ 12A đến Trạm thủy nông xã Mai Hóa với 400 m đường bê tông phục vụ cứu hộ, cứu nạn hồ đập Bẹ; hỗ trợ 50 bồn chứa nước 1.000 lít cho 50 gia đình hộ nghèo và cận nghèo ở vùng ngập lụt và 4 bồn chứa nước 2.000 lít tại các địa điểm sơ tán gồm UBND xã, trường THCS, Trạm thủy nông và Trạm y tế xã Mai Hóa…

Khu bể bơi hiện đại tại Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh.

Tại thành phố Đồng Hới, dự án thành lập các tổ hợp tác đan vá lưới ở xã Bảo Ninh nhằm cải thiện điều kiện kinh tế cho gia đình phụ nữ khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Qua 6 tháng thực hiện, dự án thành lập 5 tổ hợp tác đan vá lưới với 100 phụ nữ tham gia, mức thu nhập bình quân ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng; xây dựng hệ thống thoát nước lũ và nước thải dân sinh tại phường Phú Hải; hoàn thành 500 mét hệ thống thoát nước lũ từ Trường mầm non Phú Hải đến kênh mương thoát nước thải, giúp 300 hộ dân bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, lũ lụt hàng năm; hỗ trợ sinh kế 739 hộ dân sống ven sông trong mưu sinh hàng ngày, giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương và nâng cao năng lực ứng phó của các hộ dân đối với thiên tai…

Mục tiêu quan trọng nhất Dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng hướng đến là hạn chế một cách thấp nhất tình trạng tổn thương của trẻ em tại các địa phương hưởng lợi mỗi khi thiên tai, lụt bão xảy ra. Ngoài việc tập huấn, trang bị kỹ năng về phòng chống thiên tai cho đội ngũ giáo viên và HS, dự án quan tâm sâu đến những nội dung thiết thực, như: xây dựng mô hình nhà trường an toàn; trang bị tủ thuốc, túi thuốc sơ cấp cứu; hỗ trợ cặp áo phao, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, máy phát điện cho các điểm trường học, nơi tránh trú của nhân dân khi thiên tai…

Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh nhận định: “Hệ thống bể bơi tại Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh với nguồn kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng (bao gồm vốn từ dự án và vốn đối ứng của UBND xã Bảo Ninh) chính là một trong những công trình phát huy hiệu quả trong quá trình tuyên truyền, đào tạo, lồng ghép các nội dung, kỹ năng, chương trình về PCĐN, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong độ tuổi học sinh”.

Tác giả: Thanh Long

Nguồn tin: baoquangbinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP